Ứng dụng hệ thống canh tác lúa bảo vệ môi trường

Ý tưởng sáng tạo độc đáo này đang được PGS.TS Hoàng Văn Phụ, GĐ Trung tâm Hợp tác quốc tế (ĐH Thái Nguyên) triển khai thực hiện. Đề án này đã được Ngân hàng thế giới ((WB) tại Việt Nam trao giải cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam 2010.

Người có "cơ duyên" với cây lúa “Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, cuộc đời tôi gắn với cây lúa từ khi còn nhỏ. Ngay từ khi 8 tuổi đã phải sáng đi học, chiều đi chăn trâu, giúp mẹ trồng lúa. Năm 1976, tôi là nhóm trưởng nhóm nghiên cứu lúa ngay từ năm thứ 2 đại học và đã tốt nghiệp xuất sắc với đề tài “Chọn giống lúa chịu rét cho vùng núi phía bắc Việt Nam. Khi ra trường năm 1981, tôi được giữ lại trường và may mắn lại được giao nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu về cây lúa từ đó đến nay. Có thể nói tôi là người có cơ duyên với cây lúa ” - PGS. TS. Hoàng Văn Phụ chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân thông qua ứng dụng Hệ thống canh tác lúa cải tiến - SRI”. Sau khi một người bạn Thái Lan giới thiệu cho ông biết về Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), ông rất ngạc nhiên vì kỹ thuật đơn giản mà hiệu quả lại cao. Cụ thể, đầu vào giảm, đầu ra tăng, lại rất có lợi cho môi trường sinh thái vì giảm thiểu nhiều khâu như thóc giống, nước tưới, thuốc sâu, công sức lao động của người nông dân; giảm sâu bệnh, tăng năng suất, hiệu quả. Xuất phát từ ý tưởng trên, PGS.TS. Hoàng Văn Phụ quyết định triển khai thực hiện SRI tại xã Xuân Phương. Theo ông, đây là xã có điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa đại diện không chỉ cho huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên mà còn cho cả vùng trung du Bắc bộ. Vì thế, việc triển khai SRI sẽ góp phần nâng cao nhận thức về môi trường của người dân địa phương. Sáng tạo vì lợi ích của người nông dân Tính sáng tạo của đề án thể hiện ở ngay trong cách tiếp cận nâng cao nhận thức về môi trường cho người dân. Đề án không theo phương pháp cũ mà sử dụng ưu thế của SRI như “vật mang”, “vật chuyển tải” thông điệp về môi trường tới người dân để thuyết phục người dân thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức của mình. Việc áp dụng SRI theo hướng tiếp cận nông nghiệp sinh thái tạo một môi trường đất và không khí tốt để cây lúa có thể phát huy hết tiềm năng di truyền cho năng suất cao. So với phương pháp thâm canh lúa truyền thống SRI đã làm giảm chi phí sản xuất thông qua giảm 70-75 % thóc giống, tiết kiệm 40-50% nước tưới (rất phù hợp với thực tế là khan hiếm nước ngày càng tăng), giảm 50 -100% thuốc trừ cỏ và trừ sâu, giảm phân bón hóa học. SRI làm tăng năng suất lúa 13-29 %, tăng thu nhập từ 8-32%, làm lợi cho nông dân từ 1,8 – 3,5 triệu đồng/ha/vụ”. Đến cuối vụ đông xuân 2009, Việt Nam đã có trên 264.000 nông dân áp dụng toàn phần và từng phần SRI trên 85.422 ha tại 21 tỉnh miền Bắc. Đặc biệt là trong 6 tỉnh có chương trình hỗ trợ của Oxfam Hoa kỳ, Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD), Cục bảo vệ thực vật và Đại học Thái Nguyên số diện tích áp dụng SRI đã lên tới 43%. Việt Nam có tổng diện tích lúa là trên 8 triệu ha, nếu 50% diện tích này áp dụng SRI thì chi phí sẽ giảm rất nhiều, trong khi sản lượng thóc lại tăng lên từ 3 đến 4 triệu tấn thóc, làm lợi trực tiếp cho người dân ước tới từ 7 đến 14 ngàn tỉ đồng, môi trường sống của họ được cải thiện hơn và đóng góp làm giảm thiểu biến đổi khí hậu. SRI giúp thay đổi nhận thức về môi trường Ngay khi biết đến Ngày sáng tạo VN (VID) 2010 do WB chủ trì tổ chức, GS Phụ đã nảy ra sáng kiến sử dụng SRI như là “vật mang” để làm thay đổi suy nghĩ, hành vi và thái độ của người dân về môi trường. Đặc biệt phù hợp với chủ đề "Biến đổi khí hậu" của cuộc thi VID năm nay, bởi SRI không những làm giảm thiểu biến đổi khí hậu mà còn tăng khả năng thích ứng của cây lúa, nhất là khả năng thích ứng của người dân với sự thay đổi không chỉ khí hậu mà cả sự thay đổi trong kinh tế, chính trị và xã hội. Sau khi đoạt giải, ông đã trực tiếp xuống làm việc với xã Xuân Phương để triển khai cho kịp thời vụ gieo mạ mùa. "Tôi là một trong những người nghiên cứu về SRI đầu tiên ở Việt Nam từ năm 2004. Qua quá trình nghiên cứu tôi thấy kết quả rất tốt và ổn định, dễ làm”. Với kinh nghiệm và khả năng của mình – GS Phụ tin đề án sẽ thành công và sẽ được nhân rộng ra nhiều nơi. Khi dự án thành công, khả năng nhân ra diện rộng sẽ cao và phù hợp với Việt Nam – một nước nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa nước. Nếu diện tích lúa cả nước được áp dụng SRI thì sẽ có tác động rất lớn đến hạn chế biến đổi khí hậu. Thảo Lê

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/khoahoc/moitruong/201005/ung-dung-he-thong-canh-tac-lua-bao-ve-moi-truong-912886/