Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong các bệnh viện quân y

Thời gian qua, ngành quân y nói chung, các bệnh viện quân y (BVQY) nói riêng đã tích cực, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị cho bộ đội và nhân dân cũng như trong xây dựng, quản lý bệnh viện.

Vượt giới hạn địa lý, nâng trình độ chuyên môn

Khi đề cập đến hiệu quả của CNTT mang lại trong các hoạt động quân sự, quốc phòng nói chung, hoạt động của các BVQY nói riêng, Đại tá Nguyễn Quang Huấn, Trưởng ban CNTT (Bộ Tham mưu, Tổng cục Hậu cần) rất tâm đắc. Là chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, anh Huấn không chỉ tham mưu với cấp trên mà còn trực tiếp tham gia nhiều dự án, công trình ứng dụng CNTT trong các BVQY nên anh nhận rõ tầm quan trọng, tính hiệu quả của lĩnh vực này.

Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần) triển khai đồng bộ ứng dụng CNTT trong hoạt động khám, chữa bệnh, quản lý bệnh viện.

Hiện nay, Tổng cục Hậu cần đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng hệ thống Telemedicine kết nối hàng chục BVQY với các bệnh xá trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, hệ thống Telemedicine cũng kết nối Bệnh viện Preah Ket Mealea (Quân đội Hoàng gia Campuchia) với BVQY 175, kết nối BVQY 103 (Quân đội nhân dân Lào) với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đến nay, hệ thống Telemedicine đã được sử dụng hiệu quả trong hội chẩn, trao đổi chuyên môn, chỉ đạo tuyến giữa các bệnh viện với bệnh xá trên đảo; hỗ trợ chẩn đoán, hướng dẫn cấp cứu, điều trị kịp thời nhiều ca bệnh nặng cho bộ đội và ngư dân tại bệnh xá các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đồng thời là phương tiện trao đổi, chia sẻ thông tin hiệu quả, thiết thực giữa các BVQY của ta và các BVQY hai nước bạn Lào và Campuchia.

Quản lý tốt mọi mặt bệnh viện

Theo Đại tá, TS Bùi Văn Tân, Chủ nhiệm Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), ngoài hệ thống Telemedicine, CNTT có vai trò quan trọng trong công tác quản lý bệnh viện, giảm thiểu nhiều công việc, động tác cho cán bộ, nhân viên y tế. Ứng dụng CNTT nâng cao khả năng lưu trữ và thống kê một cách khoa học, giúp thầy thuốc và bệnh nhân có thể dễ dàng tra cứu thông tin hồ sơ bệnh lý trong khám, điều trị, bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt, phần mềm HIS (quản lý thông tin bệnh viện) mà Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang ứng dụng đã giúp bệnh viện quản lý mảng thông tin y tế tổng quát, quản lý nhân sự, tài chính, quản lý bệnh nhân (toàn bộ thông tin về bệnh nhân nội trú, ngoại trú). Đây là công cụ tối ưu hóa hệ thống, giảm chi phí, đồng thời hỗ trợ việc kiểm soát địa bàn, hỗ trợ công tác dự báo, dự phòng có hiệu quả.

Tại BVQY 354, Thiếu tá Phạm Vũ Hiếu, Trưởng bộ phận CNTT của bệnh viện cho biết, từ đầu năm 2017, BVQY 354 đã triển khai đầu tư dự án phần mềm quản lý tổng thể với cả 3 mô-đun: HIS (quản lý thông tin bệnh viện), LIS (quản lý xét nhiệm) và PACS (quản lý và truyền hình ảnh y tế).

Hiện nay, phần mềm CNTT được ứng dụng quản lý hoạt động chuyên môn tại các BVQY cơ bản được xây dựng dựa trên khả năng của bệnh viện và nhu cầu khám, chữa bệnh của bộ đội và nhân dân. Công tác kết nối hạ tầng CNTT và chia sẻ dữ liệu qua nền tảng CNTT giữa các BVQY nói riêng, các cơ sở y tế nói chung vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các yêu cầu về chẩn đoán, xét nghiệm cận lâm sàng, như: Xét nhiệm máu, chẩn đoán hình ảnh… đòi hỏi phải rất cụ thể, phù hợp với nhu cầu chẩn đoán, điều trị. CNTT còn giúp các bệnh viện kiểm soát tốt việc khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, tránh việc cá nhân và các tổ chức lạm dụng, gây thất thoát quỹ bảo hiểm y tế…

Dưới sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế phát triển và ứng dụng CNTT đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Do đó, để nâng cao khả năng và chất lượng ứng dụng CNTT trong hoạt động của các BVQY cần có sự đầu tư đồng bộ cả về hạ tầng CNTT, chuẩn thông tin y tế (bảo mật thông tin nói chung và bảo mật thông tin y tế nói riêng) cũng như các phần mềm có tính năng thông minh tích hợp đầy đủ mọi hoạt động, công tác trong bệnh viện. Công tác này đòi hỏi cả sự đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ, ứng dụng những phần mềm tiên tiến và bảo đảm an toàn thông tin. Ngoài ra, để ứng dụng hiệu quả CNTT, bảo đảm thiết thực, hiệu quả cũng cần đội ngũ cán bộ chuyên môn về CNTT đủ tầm để quản lý, vận hành hệ thống thông suốt trong mọi tình huống. Đây cũng là bài toán đặt ra trong đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như công tác cán bộ, đòi hỏi các BVQY và các cơ quan chủ quản cần giải quyết thấu đáo để CNTT thực sự tạo ra bước đột phá trong công tác khám, chữa bệnh, quản lý về y tế khoa học, hiệu quả...

Bài và ảnh: TIẾN ĐẠT - HOÀNG THÀNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/ung-dung-hieu-qua-cong-nghe-thong-tin-trong-cac-benh-vien-quan-y-523324