Ứng dụng internet vạn vật vào sản xuất nông nghiệp

Do đam mê công nghệ, Đặng Xuân Trường (27 tuổi) đã xây dựng dự án Hachi với giải pháp ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) vào quá trình sản xuất nông nghiệp.

Dự án đã bước đầu thành công và đạt nhiều giải thưởng về khởi nghiệp. Đặng Xuân Trường cũng đã được vinh danh là 1 trong 16 gương thanh niên Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo năm 2017.

Anh Đặng Xuân Trường tại một dự án nông nghiệp của Hachi.

Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đến với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Đặng Xuân Trường cho biết: “Sau khi tốt nghiệp Chương trình hợp tác đào tạo quốc tế Genetic Bách khoa (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) chuyên ngành công nghệ thông tin, tôi mong muốn được ứng dụng những điều mình học vào thực tế và tạo ra sản phẩm có ý nghĩa thiết thực gắn liền với cuộc sống. Sau quá trình tìm hiểu, tôi thấy việc ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm nông nghiệp có thể giúp tăng năng suất và giá trị của nông sản. Do đó, năm 2016, tôi đã lập nên dự án Hachi”.

Được biết, dự án Hachi đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ IoT trên hệ thống thủy canh thông minh. Hachi sẽ gắn chíp wifi vào thiết bị trên dàn thủy canh, thông qua mạng wifi của gia đình hay trang trại để gửi dữ liệu lên hệ thống. Ưu điểm của sản phẩm này là Hachi tích hợp các cảm biến về dinh dưỡng như EC, pH, nhiệt độ nước và các cảm biến về môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng), qua đó, người dùng có thể kiểm soát mọi lúc, mọi nơi trang trại công nghệ cao của mình thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Anh Đặng Xuân Trường cũng cho hay, để làm tốt trong lĩnh vực nông nghiệp, Hachi có đội ngũ kỹ sư nông nghiệp trực tiếp nghiên cứu và thử nghiệm. Trong đó, có 2 thạc sĩ chuyên ngành nông nghiệp-1 người có 4 năm làm thực tế về nông nghiệp công nghệ cao, 1 người có 7 năm kinh nghiệm nghiên cứu tại Đại học Nông nghiệp Quốc gia Nga.

Từ những công trình thủy canh ban đầu cho các hộ gia đình trong thành phố, đầu năm 2017, Hachi đã ký hợp đồng đầu tiên xây dựng trang trại 1.000m2 Delco Eco Farm ở Bắc Ninh với hệ thống trang trại trồng rau thủy canh công nghệ cao tự động. Sau khoảng 1 tháng, vụ thu hoạch đầu tiên đã ghi nhận sự thành công với năng suất cao hơn gấp 2-3 lần so với mô hình trồng trên đất truyền thống. Hệ thống tự động hóa có thể giảm đến 70% chi phí nhân công. Liên tiếp sau đó, Hachi đã có thêm nhiều dự án lớn, như: Xây dựng trang trại thủy canh tại khu nghiên cứu cây trồng Tứ Hạ rộng 1.000m2 của Trường Đại học Nông lâm Huế phục vụ nghiên cứu và thương mại hóa; trang trại An Tâm Farm tại Hà Tĩnh; trang trại Hokkaido tại Đà Lạt… Sau khoảng 1 năm ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, Hachi đã xây dựng được gần 10 trang trại trên khắp 3 miền Việt Nam. Dự án cũng nhận được nhiều giải thưởng về khởi nghiệp, như: Dự án nông nghiệp xuất sắc nhất Startup Wheel 2016; giải Nhất khởi nghiệp Techfest năm 2016; giải Startup triển vọng Nhân tài Đất Việt năm 2016; giải Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam do Trung tâm VCIC tổ chức…

Bài và ảnh: NGUYÊN VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ung-dung-internet-van-vat-vao-san-xuat-nong-nghiep-538512