Ứng dụng KH&CN trong phát triển sản xuất tại huyện Quan Sơn

Với định hướng gắn khoa học và công nghệ (KH&CN) với phát triển kinh tế - xã hội, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thiết thực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất trên địa bàn huyện Quan Sơn đã chuyển dần sang hướng ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm, tăng mức thu nhập cho người dân.

Mô hình nuôi gà Lạc Thủy dưới tán rừng luồng của gia đình anh Hà Văn Thương, bản Din, xã Trung Hạ.

Nhận thấy tiềm năng về đất rừng của gia đình thuận lợi cho việc phát triển kinh tế trang trại, với diện tích đồi luồng kém hiệu quả, năm 2019, anh Hà Văn Thương, bản Din, xã Trung Hạ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi gà thả dưới tán rừng luồng. Sau quá trình tìm hiểu, anh Thương ra tỉnh Hòa Bình mua 2.000 con gà giống Lạc Thủy về nuôi thả, lứa gà đầu tiên đã thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Anh Thương cho biết: “Gà Lạc Thủy rất dễ nuôi vì có sức đề kháng tốt, giá cả lại tương đối ổn định, người nuôi chỉ cần cho ăn đủ chất dinh dưỡng, chuồng trại cao ráo, thoáng mát, hứng được ánh nắng mặt trời. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống, tiêm phòng đầy đủ để gà không bị nhiễm bệnh”... Nhờ được áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, nên trang trại gà của gia đình anh Thương phát triển tốt, cho chất lượng thịt thơm ngon. Đến nay, mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng của gia đình anh Thương luôn có trên 7.000 con gà thịt, với thu nhập hàng năm đạt trên 1 tỷ đồng. Mô hình của gia đình anh Thương cũng là 1 trong 3 mô hình trên địa bàn huyện Quan Sơn được cấp chứng nhận VietGAP.

Nhận thức rõ, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật gắn liền với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo từng vùng, từng địa phương, từng thời điểm cụ thể, tạo nên những bước phát triển mới trong sản xuất theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu; huyện Quan Sơn đã từng bước ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời tập trung chỉ đạo các xã thực hiện xây dựng các mô hình đạt chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình thâm canh cây lúa lai sử dụng phân viên nén dúi sâu và phân đơn; trồng khoai sọ, khoai mán; trồng chuối tiêu hồng; trồng gấc tại 6 xã Trung Hạ, Sơn Lư, Tam Lư, Sơn Điện, Sơn Thủy và xã Trung Xuân; mô hình trồng thâm canh và phục tráng rừng vầu... Đây là những mô hình được áp dụng những biện pháp kỹ thuật mới và được triển khai trồng thử nghiệm trên chân đất thiếu nước, kém hiệu quả trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện Quan Sơn đã tiến hành tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh và xây dựng các mô hình sản xuất các giống lúa mới, chất lượng cao như, lúa lai Thanh Hoa 1 (diện tích 20 ha); lúa lai ZZD001 (10 ha), Nhị Ưu 69 (20 ha); mô hình trồng thâm canh cây vầu (52,5 ha)... Kết quả năng suất các giống lúa trên đạt năng suất từ 65 - 70 tạ/ha, cây vầu cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha.

Đặc biệt, huyện Quan Sơn đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng thâm canh và phục tráng rừng vầu tại xã Tam Thanh và xã Tam Lư”. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức thực hiện các mô hình khuyến nông như: Chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học tại bản Sại, xã Tam Lư; trồng cây xoan Đào tại bản La, xã Trung Xuân; trồng cây sa nhân dưới tán rừng tại xã Sơn Thủy... Hiện, các mô hình trên đều áp dụng đúng quy trình kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao và tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Song song với lĩnh vực nông nghiệp, trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, UBND huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tiến hành khảo sát xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện, nhằm thay thế, đổi mới dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại, tự động hóa. Kết quả, đã hỗ trợ một phần kinh phí cho 2 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản mua máy lột, cào tăm từ nguồn khuyến công quốc gia với kinh phí 500 triệu đồng. Cùng với đó, UBND huyện Quan Sơn cũng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa trên địa bàn như: Kiểm tra các dụng cụ đo lường tại các chợ, chất lượng xăng dầu, tiến hành tiêu hủy hàng hóa vi phạm về nhãn hiệu, hạn sử dụng... Nhờ đó, lượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng giảm đáng kể, hiện tượng gian lận trong đo lường được kiểm tra, kiểm soát tương đối tốt.

Ngoài ra, các hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng, chuyển giao KH&CN trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, y tế, khoa học - xã hội và nhân văn... đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, cho biết: Để từng bước áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, hằng năm, UBND huyện cử cán bộ lãnh đạo, chuyên viên phụ trách lĩnh vực KH&CN tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác quản lý KH&CN, do Sở KH&CN tỉnh tổ chức nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm vào công tác quản lý KH&CN. Đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho Nhân dân và doanh nghiệp thấy rõ hiệu quả của việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, khi xây dựng các nhiệm vụ KH&CN, các mô hình, dự án huyện Quan Sơn lựa chọn nội dung cần chuyển giao phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương. Đồng thời, phối hợp với các ban, sở, ngành liên quan tăng cường mở lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp thông tin, mở rộng, phát triển các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bài và ảnh: Trường Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ung-dung-kh-amp-cn-trong-phat-trien-san-xuat-tai-huyen-quan-son/196512.htm