Ứng dụng KHCN bảo vệ môi trường: Yếu tố tiên quyết cho một tương lai xanh

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH&CN cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến là chìa khóa quan trọng để xây dựng một tương lai xanh. Hoạt động này đã được các đơn vị trong tỉnh triển khai và áp dụng, góp phần tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long thông qua các giải pháp về ứng dụng công nghệ đang được tỉnh Quảng Ninh quan tâm.

Thân thiện với môi trường, an toàn cho cuộc sống

Nhằm giảm thiểu tác động của hoạt động du lịch đến môi trường Vịnh Hạ Long, từ năm 2015, 100% tàu du lịch hoạt động trên Vịnh đã được trang bị thiết bị phân ly dầu - nước, giúp hạn chế tối đa lượng nước thải nhiễm dầu ra môi trường. Cùng với đó, các hệ thống phao quây thấm dầu, tấm thấm dầu, xơ bông thấm dầu được ứng dụng từ chế phẩm sinh học Enretech-1 cũng được đưa vào sử dụng rộng rãi để thấm sạch dầu tràn, vãi trên các cảng, sàn tàu, trang thiết bị, dụng cụ dính dầu và trong khu vực đặt máy phát điện trong khu vực vịnh.

Đặc biệt, từ năm 2017, BQL Vịnh Hạ Long đã đưa vào sử dụng nhà vệ sinh sinh học (Bio-toilet “Bio-Lux”) ứng dụng công nghệ vi sinh và hệ thống xử lý nước thải kiểu mới (New Jhoka “Bio-Lux-water”) tại 7 điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long. Đồng thời, đưa vào sử dụng thử nghiệm nhiên liệu sinh học trong các tàu để giảm thiểu lượng khí thải, nước thải ra môi trường; lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tại một số điểm tham quan trên Vịnh như: Động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, Sửng Sốt... nhằm tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.

Dây chuyền sản xuất gạch tại Nhà máy gạch Tiêu Giao (Công ty CP Viglacera Hạ Long).

Những năm qua, tỉnh đã tập trung ứng dụng KH&CN trong sản xuất, một mặt để để nâng cao hiệu quả lao động, một mặt tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường (BVMT). Nhiều công nghệ mới đã và đang được các đơn vị doanh nghiệp áp dụng nhằm giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất kinh doanh với môi trường. Đặc biệt là các đơn vị ngành than, sản xuất vật liệu xây dựng, các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm…

Tại Công ty CP Viglacera Hạ Long, các nhà máy của đơn vị đều đảm bảo tiêu chí xanh, không khói, an toàn, và thân thiện môi trường. Hai nhà máy gạch là Tiêu Giao và Hoành Bồ hiện đang sử dụng công nghệ nung tuynel đốt kín, có cải tiến để tận thu toàn bộ nhiệt phát sinh để sấy sản phẩm mộc; Nhà máy gạch Cotto Giếng Đáy sử dụng công nghệ lò nung thanh lăn, đây là công nghệ hiện đại, nhiệt thải được dẫn về hầm sấy, tận dụng để sấy gạch sau ép. Qua đó, giúp tiết kiệm năng lượng, hạn chế khí thải, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, tất cả các lò nung của nhà máy gạch đều lắp đặt thêm một số thiết bị như quạt hút khói, quạt trợ đốt, quạt hút điện dư… để hút không khí ẩm, cấp điều chỉnh oxy, không phát sinh khí thải...

Hay như Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền là đơn vị sử dụng công nghệ sản xuất gạch không nung với nguồn nguyên liệu tro bay, xỉ than từ các nhà máy xi măng, nhiệt điện; Công ty TNHH MTV Dầu thực vật Cái Lân đã cải tiến công nghệ trong sản xuất hạn chế phát sinh mùi trong quá trình hoạt động…

Hệ thống đèn chiếu sáng thông minh được lắp đặt trên các tuyến đường của TP Hạ Long giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí CO2 thải ra môi trường.

Vì một tương lai xanh

Môi trường là một trong ba trụ cột để xây dựng một tương lai xanh. Hoạt động KH&CN phục vụ BVMT luôn được tỉnh Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.

Để khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tiết kiệm năng lượng, BVMT, tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, về lãi suất vay vốn, về cơ sở hạ tầng…

Tiêu biểu như: Hỗ trợ triển khai áp dụng chương trình các hệ thống quản lý chất lượng; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; ưu đãi, hỗ trợ đối với nhà đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Quảng Ninh; duy trì hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN... Cùng với đó, tổ chức nhiều phong trào, cuộc thi, hội thi tìm kiếm những sáng kiến, phát minh, giải pháp về KH&CN phục vụ sản xuất và BVMT.

Nuôi tôm công nghệ có sử dụng các chế phẩm vi sinh đang được nhiều hộ nuôi trên địa bàn tỉnh áp dụng nhằm hạn chế những tác động đến môi trường.

Đặc biệt, tỉnh cũng có chủ trương khuyến khích các ngành, cơ quan, đơn vị và người dân đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT vào từng lĩnh vực hoạt động để nâng cao hiệu quả cũng như BVMT. Tiêu biểu như áp dụng công nghệ vào xử lý chất thải, rác thải y tế ở các bệnh viện, cơ sở y tế; sử dụng các vật liệu HDPE trong nuôi trồng thủy sản; ứng đệm lót sinh học, công nghệ vi sinh vào chăn nuôi, trồng trọt; vận hành hệ thống điện chiếu sáng thông minh tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí thải CO2 ra môi trường.

Tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 86 trạm quan trắc môi trường, giúp nâng cao năng lực quan trắc, kiểm soát môi trường tự động trên địa bàn.

Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, gần đây, Quảng Ninh rất quan tâm tới các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nước ngoài và đặc biệt, sản xuất sạch, an toàn cho người tiêu dùng, thân thiện với môi trường.

Mô hình trồng rau an toàn tại Khu nông nghiệp công nghệ cao của VinEco (TX Đông Triều).

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hơn nữa để bảo vệ, giữ vững môi trường. Trong đó, việc tăng cường áp dụng KH&CN vẫn được coi là yếu tố then chốt nhằm hướng đến một cuộc sống xanh, thân thiện môi trường.

Nguyên Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202006/ung-dung-khcn-bao-ve-moi-truong-yeu-to-tien-quyet-cho-mot-tuong-lai-xanh-2489244/