Ứng dụng khoa học công nghệ - 'đòn bẩy' cho nông nghiệp Sơn La bứt phá

Từ một địa phương không có tên trên 'bản đồ' cây ăn quả, Sơn La đã trở thành 'vựa' quả lớn nhất miền Bắc và có diện tích lớn thứ 2 cả nước. Không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, nhiều sản phẩm quả còn vươn đến nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chính là một trong những đòn bẩy thúc đẩy 'vựa' hoa quả này bứt phá.

Gia đình ông Nguyễn Văn La ở bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã (Sơn La) có hơn 1,6ha nhãn. Trước đây, vườn của gia đình chủ yếu được ông canh tác theo cách truyền thống, tức là thâm canh giống cũ, không tạo tán, chăm sóc, cải tạo, vì vậy, hàng chục năm làm nhãn mà thu nhập không có gì cải thiện.

Gia đình ông Nguyễn Văn La ở huyện Sông Mã đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi phần lớn diện tích nhãn của gia đình sang mô hình nhãn chín sớm cho hiệu quả cao

Năm 2017-2018, qua tìm tòi, học hỏi cách làm của một số thành viên trong các HTX trồng nhãn ở huyện; nhất là được cán bộ chuyên môn của xã, huyện hướng dẫn kỹ thuật lai ghép để cải tạo, sản xuất mô hình nhãn chín sớm, thì thu nhập đã cao gấp 2 – 3 lần so với trước do giá thành sản phẩm đạt cao hơn:

"Năm 2019, 2020 diện tích cây nhãn chín sớm – là giống T6 đó được thu hoạch. Năm 2019, gia đình thu được hơn 5 tấn quả, giá bán bình quân lúc đó được hơn 30 ngàn đồng/kg, so với nhãn miền (nhãn chính vụ) thì gấp 3 đến 4 lần", ông La chia sẻ.

Nhiều hộ dân ở Sơn La đã thoát nghèo vươn lên làm giàu từ trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu

Với anh Lò Văn Thương, ở tiểu khu 2, xã Mường Bú, huyện Mường La thì những ngày "đầu tắt mặt tối" tự mày mò trồng táo, mít, xoài… trên diện tích hơn 1,4 ha với các loại giống cũ, nhưng thu nhập không cao do năng suất, sản lượng thấp giờ cũng chỉ còn là hoài niệm, bởi hiện nay gia đình đã có hơn 12 ha cây ăn quả các loại như táo, xoài, mít, na… trồng bằng giống mới cho năng suất, chất lượng tốt; giá táo lai bán được gấp 2 – 3 lần giống cũ và Na sầu riêng khi cho thu hoạch có thể bán được với giá 400 – 500.000/kg, mang đến cho gia đình tổng thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Thương cho biết, trước đây khi chưa có nghiên cứu về táo lai mới thì gia đình anh toàn trồng táo từ giống bản địa, chất lượng, giá thành đều thấp. Sau này gia đình được hỗ trợ cải tạo mắt ghép của táo giống mới thì mẫu mã đẹp, giá thành cao, nên thu nhập ổn định hơn so với trước. Na Sầu riêng thì năm nay mới bắt đầu bói quả, cũng chưa dám khẳng định hiệu quả đến đâu, nhưng nhìn vào sự phát triển của cây và giá quả này đang bán ra thị trường từ các HTX ở huyện bạn Mai Sơn được 400 - 500.000 đồng một kg, có quả nặng 1,5 - gần 2 kg thì anh tin chắc loại quả này sẽ mang thu nhập cao cho gia đình.

Sơn La chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Gia đình ông La và anh Thương mới chỉ là 2 trong số hàng trăm, hàng nghìn hộ trồng quả ở Sơn La được hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ trong quá trình phát triển cây ăn quả nhằm mang đến năng suất, sản lượng và thu nhập cao hơn so với cách thức sản xuất truyền thống trước kia.

Hiện Sơn La đang thu hoạch nhãn chín sớm, giá bán từ 60 - 80.000 đ/kg, gấp 2 - 3 lần nhãn chính vụ

Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La cho biết, từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết; huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc phát triển mạnh chương trình chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn do ngành quản lý, triển khai cũng hướng tới phục vụ chương trình này. Việc triển khai các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế; mô hình thử nghiệm sử dụng giống mới, chất lượng tốt, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến… đã thực sự trở thành “đòn bẩy” để chương trình phát triển cây ăn quả của địa phương bứt phá.

"Nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch trong sản xuất Na; mô hình trồng Thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Mai Sơn… Sau kết thúc đã duy trì phát triển mở rộng diện tích ngày càng gia tăng, doanh thu khoảng 300 – 400 triệu/ha, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền phát triển diện tích cây ăn quả của tỉnh đến năm 2022 đạt hơn 82 nghìn ha", ông Hoàng nói.

Với hơn 84 nghìn ha sơn tra và cây ăn quả, Sơn La đã trở thành "vựa" quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 cả nước

Cũng theo ông Hoàng, đến nay, hầu hết diện tích cây ăn quả chủ lực của Sơn La đã được ứng dụng kỹ thuật ghép cải tạo bằng các giống có năng suất, chất lượng cao, với diện tích ghép cải tạo toàn tỉnh đến năm 2022 là hơn 13.000 ha, gồm xoài, nhãn, bơ, cây có múi và một số giống cây ăn quả khác.

Sản phẩm quả của Sơn La đã vươn tới thị trường hơn 21 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới

Một thành công nữa của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong chương trình phát triển cây ăn quả ở Sơn La là đến nay địa phương đã có 24 sản phẩm nông sản, trong đó có 11 sản phẩm cây ăn quả được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; riêng sản phẩm xoài tròn Yên Châu nằm trong danh sách được bảo hộ tại Châu Âu theo hiệp định EVFTA; nhiều sản phẩm quả tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, với sự tham gia của hàng ngàn hộ nông dân trong tỉnh. Việc được cấp văn bằng bảo hộ đã góp phần khẳng định thương hiệu, khẳng định xuất xứ nguồn gốc hàng hóa, qua đó, tạo thuận lợi cho trong khâu tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm nông sản.

Xoài tròn Yên Châu nằm trong danh sách được bảo hộ tại Châu Âu theo hiệp định EVFTA

"Tập trung vào lựa chọn, tuyển chọn được các giống cây ăn quả có khả năng thích ứng và chống chịu được với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, cho ra được sản phẩm quả có chất lượng tốt hơn và năng suất cao hơn. Thứ 2 là tập trung nghiên cứu ứng dụng để thực hiện chuyển giao trong công tác nghiên cứu, chế biến, bảo quản đối với các sản phẩm cây ăn quả của tỉnh. Đây là các nhiệm vụ trọng tâm mà ngành khoa học tỉnh Sơn La sẽ hướng tới trong giai đoạn từ nay đến năm 2025", ông Nguyễn Duy Hoàng nhấn mạnh.

Mục tiêu của Sơn La là đến năm 2025 trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc (Ảnh: Phối cảnh dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Son La).

Để tiếp tục phát huy những thế mạnh của địa phương, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Sơn La sẽ tập trung khai thác, tận dụng tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên; xây dựng và phát triển các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra./.

Thu Thùy/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-don-bay-cho-nong-nghiep-son-la-but-pha-post1021003.vov