Ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản

Với tiềm năng, lợi thế gần 30.000 ha mặt nước hồ thủy điện Sơn La và hồ thủy điện Hòa Bình, tỉnh Sơn La đã có nhiều chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Công ty TNHH một thành viên Cá tầm Việt Nam - Sơn La, bản Nà Mường, xã Mường Trai (Mường La) sau gần 10 năm phát triển, Công ty đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất cá thương phẩm, nuôi cá giống và cá tầm trứng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, thu nhập bình quân đầu người từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Khu vực nuôi cá tầm của Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam - Sơn La, bản Nà Mường, xã Mường Trai (Mường La).

Ông Nguyễn Văn Lan, Quản đốc phụ trách nuôi trồng thủy sản của Công ty, cho biết: Năm 2017, Công ty đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ thực hiện ứng dụng thành công quy trình ấp nở, ương nuôi cá tầm giống. Mỗi năm Công ty ương nuôi khoảng 200.000-300.000 cá tầm giống, tỷ lệ sống đạt trên 75%. Đến nay, Công ty đã có tổng số hơn 270 lồng nuôi cá tầm các loại, gồm: 21 lồng cá giống bố, mẹ, với khoảng 1.000 con giống từ 30-60kg/con và 250 lồng cá thương phẩm, cá trứng từ 2-10 kg/con. Sản phẩm cá tầm được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xuất bán ra thị trường qua hệ thống các đại lý, siêu thị trong tỉnh và Hà Nội.

Một trong những thành tựu đột phá trong ngành thủy sản là mô hình nuôi ngọc trai nhân tạo của Công ty TNHH một thành viên Quen Pearl, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn). Công ty đã áp dụng và thực hiện thành công phương pháp cấy ghép mô tế bào và nhân vào khu vực xoang màng áo ngoài trên con trai nước ngọt, loài trai xanh cánh mỏng và trai đen cánh dày. Không chỉ sản xuất tại khu vực Hồ Tiền Phong, Công ty đã liên kết với các hộ gia đình và HTX chuyển giao khoa học kỹ thuật và mở rộng quy mô sản xuất tại Thành phố và các huyện: Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Phù Yên, tổng quy mô khoảng 30.000 con trai lấy ngọc.

Bà Dương Thị Huyền Trang, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Quen Pearl Sơn La, cho biết: Liên kết sản xuất trai nhân tạo với các hộ, HTX, Công ty đã hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật nuôi, chăm sóc. Do thực hiện nuôi trai kết hợp với nuôi thủy sản, các hộ và HTX vừa có thu hoạch từ nuôi cá thương phẩm, vừa tận dụng thức ăn thừa để nuôi trai, tiết kiệm chi phí mà không ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản khác. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản phẩm của Công ty chỉ tiêu thụ trong nước, tổng doanh thu đạt hơn 4 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có 73 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, với gần 10.000 lồng nuôi cá các loại trên lòng hồ thủy điện; xây dựng 33 cơ sở nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nằm trong chuỗi cung ứng thủy sản an toàn của tỉnh, quy mô trên 2.000 lồng nuôi; sản phẩm cá tép dầu, cá tầm Sơn La, cá sông Đà đã được công nhận thương hiệu. Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản đạt 8.550 tấn, tăng 2,58% so với năm trước; giá trị sản phẩm thu hoạch mặt nước nuôi trồng thủy sản trung bình đạt 121 triệu đồng/ha; 35 doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh thủy sản tiêu biểu, thu nhập bình quân từ 1 tỷ đồng/năm trở lên.

Cá tầm thương phẩm của Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam - Sơn La

Hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, tỉnh Sơn La đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư lồng nuôi cá lồng cho các hộ dân và HTX; hỗ trợ xây dựng các chuỗi cung ứng thủy sản an toàn; hỗ trợ tem nhãn, trích xuất nguồn gốc; tổ chức các hội chợ thương mại, xúc tiến đầu tư, kết nối tiêu thụ thủy sản cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh… Quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; đã hoàn thiện công trình xây dựng cảng cá tại bản Bỉa, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) và công trình xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá tầm tập trung và thủy sản khác tại bản Nà Tòng, xã Hua Trai (Mường La), với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn 2 tại huyện có vùng lòng hồ về Luật Thủy sản, các văn bản về nuôi trồng, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Sơn La có 10.500 lồng nuôi cá, sản lượng hơn 11.000 tấn; xây dựng 10 cơ sở sản xuất cá giống đủ tiêu chuẩn; xuất khẩu khoảng 500 kg trứng cá tầm và 500 tấn cá tầm thương phẩm... Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ cho người dân về nuôi cá lồng, cá nước lạnh, thâm canh các loại thủy sản theo hướng hàng hóa. Chú trọng hướng dẫn người nuôi áp dụng và thực hiện tốt các quy trình sản xuất an toàn để tạo ra các sản phẩm sạch; sử dụng con giống và thức ăn có kiểm soát đầu vào, đảm bảo chất lượng tốt để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi và người tiêu dùng. Khuyến khích mở rộng các mô hình nuôi ngọc trai lấy ngọc nước ngọt nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao thu nhập từ khai thác diện tích mặt nước, giải quyết việc làm cho lao động địa phương...

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-linh-vuc-thuy-san-46599