Ứng dụng kiểm tra thông tin thuê bao di động

Cùng với việc cho phép người dùng có thể chuyển đổi qua lại giữa các nhà mạng và giữ nguyên số. Cục Viễn thông đã phát triển ứng dụng cho iOS và Android giúp người dùng có thể kiểm tra thông tin thuê bao.

Bắt đầu từ ngày 16-11, 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone bắt đầu cho các thuê bao di động có thể chuyển mạng và giữ nguyên số di động. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mạng cũng phát sinh ra một số vấn đề khác như việc giờ đây không thể dựa vào đầu số để xác định thuê bao thuộc mạng di động nào.

Trước vấn đề trên, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã xây dựng riêng ứng dụng VNTA hay Viễn thông Việt Nam phát hành trên hai điều hành iOS và Android miễn phí.

Ứng dụng của Cục Viễn thông.

Người dùng sau khi tải ứng dụng từ kho phần mềm của hai hệ điều hành trên về điện thoại chỉ cần nhập vào số điện thoại để kiểm tra và đợi hệ thống trả về kết quả. Kết quả được trả về bao gồm cả thông tin về nhà mạng cũ và nhà mạng mới nếu thuê bao đã thực hiện chuyển đổi.

Trong đợt đầu tiến hành chuyển mạng giữ số có ba nhà mạng lớn là Viettel, Vinaphone và Mobifone. Từ 1-1-2019, các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone và Vietnamobile sẽ đồng loạt cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số cho cả thuê bao di động trả trước và trả sau. Riêng nhà mạng Gtel chưa tham gia dịch vụ này.

Nhằm đánh giá tác động của dịch vụ đối với thị trường, kịp thời có các biện pháp để loại bỏ tác động tiêu cực nếu có trước khi triển khai trên diện rộng. Dịch vụ chuyển mạng giữ số bước đầu sẽ chỉ thực hiện với các thuê bao trả sau của các nhà mạng.

Để thực hiện việc chuyển mạng giữ số, người dùng phải đảm bảo các thuê bao có thông tin chính xác, không trong quá trình khiếu nại, tranh chấp, không vi phạm hợp đồng với nhà mạng cũ. Quá trình chuyển mạng, các thuê bao vẫn được đảm bảo dịch vụ thoại, tin nhắn.

Về cách thức chuyển mạng giữ số, trước mắt các nhà mạng sẽ thực hiện việc chuyển mạng tại các điểm giao dịch. Các nhà mạng sẽ cập nhật thông tin về thuê bao chuyển mạng tại Cơ sở dữ liệu tập trung về hệ thống thiết bị của mình để phục vụ cho việc định tuyến cuộc gọi, tin nhắn… đến các thuê bao đã chuyển mạng. Thời gian tối đa để thực hiện việc chuyển mạng là 2 ngày với thuê bao cá nhân, 3 ngày với thuê bao doanh nghiệp, thời gian gián đoạn dịch vụ chuyển mạng tối đa là 1 tiếng.

Mức phí để chuyển mạng được các nhà mạng thông báo là 60.000 đồng. Ngoài cước này, khách hàng không phải trả thêm gì. Tuy nhiên, cước dịch vụ chuyển mạng có thể được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo việc chuyển mạng không có tác động tiêu cực đến thị trường dịch vụ thông tin di động mặt đất.

Cước dịch vụ chuyển mạng được sử dụng để chi trả cho Doanh nghiệp chuyển đi, Doanh nghiệp chuyển đến và Trung tâm Hỗ trợ phát triển mạng và dịch vụ.

Theo thống kê, hiện tại ở Việt Nam đang có khoảng 120 triệu thuê bao di động, trong đó khoảng 8 triệu thuê bao trả sau (chiếm khoảng 5%). Nhu cầu chuyển mạng giữ số sẽ tập trung vào các thuê bao của các nhà mạng nhỏ có chất lượng và vùng phủ sóng 3G-4G yếu hơn chuyển sang nhà mạng có vùng phủ tốt hơn và giá rẻ hơn.

B.C. (t/h)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-nghe/ung-dung-kiem-tra-thong-tin-thue-bao-di-dong-520459/