Ứng dụng mô hình trung tâm tri thức số cho các thư viện

Bên cạnh sự đổi mới trong thời gian qua, các thư viện Việt Nam đang dần thích ứng với sự bùng nổ dữ liệu lớn (big data). Việc số hóa, phân tích, tổng hợp, chế biến thông tin thành nguồn tri thức phục vụ bạn đọc là xu hướng phát triển tất yếu của các thư viện trong thời đại công nghệ số.

Xu thế tất yếu

Thư viện ra đời như là kho tri thức của xã hội, là đền đài của văn hóa và sự uyên thâm. Trong bối cảnh trên thế giới đang diễn ra công cuộc chuyển đổi số, nhu cầu đưa thông tin lên hệ thống, nền tảng đám mây (cloud) ngày càng lớn thì ngành thư viện không thể đứng ngoài cuộc. Từ quản lý tài liệu đến quản lý thông tin, các thư viện Việt Nam đang đứng trước cuộc chuyển đổi sang mô hình quản lý tri thức.

Nói đến lĩnh vực thư viện là nhắc đến 3 mô hình phát triển gồm: Trung tâm dữ liệu-thư viện, trung tâm thông tin-thư viện (TTTV) và trung tâm tri thức-thư viện. Trong 3 mô hình kể trên thì mô hình trung tâm TTTV ở Việt Nam, đặc biệt là ở khối các trường đại học là rất phổ biến. Mô hình này bảo đảm chức năng thu thập, bổ sung, xử lý, tổ chức, phục vụ học liệu cho sinh viên và giảng viên. Trước thực trạng dữ liệu lớn bùng nổ từ hàng tỷ điện thoại thông minh, mạng xã hội hay từ các cảm biến đã tạo ra một “mớ hỗn độn” thông tin thì điều mà người dùng cần nhất là tri thức.

 Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội dễ dàng tra cứu học liệu tại thư viện qua máy tính.

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội dễ dàng tra cứu học liệu tại thư viện qua máy tính.

TS Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm TTTV-Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Phó chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam khẳng định: “Đối với các thư viện Việt Nam và đặc biệt là các thư viện số thì mô hình trung tâm tri thức-thư viện là rất phù hợp. Bởi ngoài các chức năng và nhiệm vụ của thư viện số thì mô hình này còn đảm đương chức năng quản trị tri thức số. Với mô hình trên, dữ liệu sẽ được phân tích, tổng hợp thành thông tin và tiếp đó thông tin sẽ được phân tích tổng hợp thành tri thức phục vụ bạn đọc sao cho thông tin đó đạt hiệu quả, hiệu suất cao trong công việc học tập, nghiên cứu và kinh doanh”.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Thiên, Chủ nhiệm Khoa TTTV (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng: “Trung tâm tri thức số (TTS) là một giai đoạn phát triển bậc cao của thư viện số với nhiều tính năng, vai trò và phương thức hoạt động mới, theo xu hướng quản lý thư viện có khả năng tái tạo, phù hợp với yêu cầu và sử dụng hiệu quả những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Trung tâm TTS sẽ đáp ứng nhu cầu của tất cả người đọc bằng cách mở rộng các dịch vụ ra ngoài biên giới thư viện truyền thống và tiếp cận người đọc mọi lúc mọi nơi, cung cấp cho người đọc sách và kiến thức phong phú, đa dạng trong khi vẫn cập nhật nội dung”.

Cơ hội và thách thức

Thời gian qua, nhiều thư viện tại Việt Nam và thư viện trong khối các trường đại học đã có sự đầu tư nhất định cho việc số hóa thông tin. Một số thư viện chưa có điều kiện kinh phí thì tháo gỡ khó khăn bằng cách dùng chung dữ liệu với các đơn vị khác. Trong đó, Trung tâm TTTV-ĐHQGHN là đơn vị đã số hóa được kho dữ liệu với hàng chục nghìn giáo trình, luận văn, sách tham khảo... Thời gian qua, Trung tâm TTTV-ĐHQGHN đã chia sẻ nhiều tài nguyên số của mình trên hệ thống dùng chung cho các đơn vị khác thuộc Liên chi hội các Thư viện đại học khu vực phía Bắc (NALA).

Việc chia sẻ dữ liệu trên mạng dùng chung chỉ là phương án mang tính tạm thời. Về lâu dài, mỗi đơn vị thư viện cần số hóa nhiều dữ liệu nhằm hướng tới phát triển thành trung tâm TTS. TS Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch NALA cho biết: “Một khó khăn dễ nhận thấy đầu tiên là vấn đề kinh phí. Việc số hóa, mua dữ liệu, trang bị cơ sở hạ tầng hiện đại cần phải có một nguồn kinh phí rất lớn. Một khó khăn nữa đến từ nguồn nhân lực khi cán bộ thư viện hiện nay chưa được trang bị nhiều kiến thức về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý thư viện”.

Theo khảo sát mới đây của Khoa TTTV (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) tại gần 80 thư viện và trung tâm thông tin (TTTT) lớn ở Việt Nam cho thấy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các thư viện và TTTT Việt Nam có độ tuổi trung bình khá cao (độ tuổi hơn 40 chiếm tới 90%). Điều này đã tạo ra những khó khăn cho đội ngũ này trong việc tiếp cận với những công nghệ mới, ứng dụng trong các lĩnh vực chuyên môn của thư viện hiện đại. Thạc sĩ Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho hay: “Chúng ta vẫn chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả nhằm khuyến khích các hoạt động đào tạo nhân lực thư viện số, chưa tạo được động lực lớn cho người dạy và người học. Ngoài ra, vấn đề về thu nhập, việc làm đối với nhân lực thư viện số sau khi tốt nghiệp chưa được quan tâm đúng mức là những khó khăn để phát triển trung tâm TTS cho các thư viện Việt Nam”.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ung-dung-mo-hinh-trung-tam-tri-thuc-so-cho-cac-thu-vien-646132