Ứng dụng nguồn dữ liệu ảnh vệ tinh

Nguồn dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất đang được sử dụng trong nhiều nghiên cứu, ứng dụng để giải quyết các vấn đề về môi trường, kinh tế trong khu vực và toàn cầu. Hệ thống chia sẻ dữ liệu vệ tinh mở và miễn phí (Vietnam Data Cube) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phát triển, vừa ra mắt tạo ra nhiều ứng dụng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện nay tại Việt Nam, có rất nhiều đơn vị đang cần sử dụng các dữ liệu viễn thám, ảnh vệ tinh, nhưng hầu hết các nguồn dữ liệu miễn phí có chất lượng không bảo đảm, còn nguồn dữ liệu thương mại lại có giá quá cao. Như tại Viện điều tra, quy hoạch rừng (FIPI) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được giao nhiệm vụ thực hiện dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc, phải sử dụng ảnh vệ tinh có thời hạn từ lúc chụp đến thời điểm điều tra rừng là một năm. TS Nguyễn Nghĩa Biên, Viện trưởng FIPI cho biết, yêu cầu cần ảnh có độ phân giải cao, nhưng thực tế việc cung cấp ảnh cũng gặp nhiều khó khăn, chất lượng ảnh không bảo đảm, số lượng không đạt, không cung cấp được đầy đủ thông tin tại thời điểm có nhu cầu điều tra. Có những thời điểm Viện FIPI đã phải chi trả khoảng 20 triệu đồng mỗi ảnh, tính ra mỗi năm kinh phí để mua ảnh lên đến vài tỷ đồng, nhưng chất lượng vẫn không được như yêu cầu.

Theo các chuyên gia, nhiều dữ liệu vệ tinh vẫn chưa được khai thác hết, cho dù đã có trang, thiết bị phân tích và tính toán hiện đại. Các thế hệ vệ tinh quan sát trái đất mới ngày càng cung cấp lượng dữ liệu lớn trên phạm vi toàn cầu, do đó, thách thức không còn nằm ở việc thiếu dữ liệu mà là làm sao kết nối được giữa dữ liệu, ứng dụng và người dùng. Vietnam Data Cube đã đáp ứng được những yêu cầu trên, đem đến cho người dùng một cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh dễ sử dụng, một công cụ khai thác hoàn toàn miễn phí. Theo đó, ảnh vệ tinh liên quan đến khu vực thuộc Việt Nam sẽ được lưu trữ tại Vietnam Data Cube, dữ liệu được cán bộ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam phân tích, xử lý để dễ hiểu hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế của từng đơn vị. Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam PGS, TS Phạm Anh Tuấn cho biết, Vietnam Data Cube là sáng kiến của Ủy ban Vệ tinh quan sát trái đất (Việt Nam là thành viên từ năm 2013) xây dựng hệ thống để giúp các quốc gia thiếu chuyên gia, cơ sở hạ tầng và tài nguyên truy cập vào dữ liệu. Theo nhu cầu sử dụng của từng đơn vị, người ứng dụng chỉ cần đăng nhập vào hệ thống và rút ra những hình ảnh cụ thể, trên cơ sở ảnh đã được xử lý. Vì thế, hệ thống cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh giúp giảm thời gian và kiến thức chuyên môn cần thiết để sử dụng dữ liệu. Trước mắt, dữ liệu cung cấp ảnh liên quan đến rừng, lúa và nguồn nước.

Từ trước đến nay, đánh giá sản lượng lúa, các nhà chuyên môn thường thông qua thống kê, nhưng nếu chụp ảnh vệ tinh thì có thể biết diện tích lúa, độ phát triển của lúa có tốt hay không, qua đó có thể đánh giá sản lượng lúa của năm. Công tác này rất quan trọng đối với các tổ chức trên thế giới, thông qua ảnh dữ liệu có thể đánh giá được mất mùa hay được mùa, tính ra sản lượng lúa của thế giới. Hay như đối với hoạt động quan sát rừng, lâu nay, muốn biết độ mất rừng, phủ rừng, người thống kê phải dùng phương thức thông báo từ các đơn vị quản lý ở địa phương, nhưng hiện tại chỉ cần nhìn vào ảnh vệ tinh của địa điểm cần biết, hằng ngày, hằng năm được cập nhật thì có thể biết được chính xác sự biến đổi của cả khu rừng. TS Nguyễn Nghĩa Biên cũng cho rằng, Vietnam Data Cube giúp đơn vị tiếp cận ảnh miễn phí, dữ liệu ảnh đầy đủ và do hệ thống có nhiều đối tác tham gia cùng, khi chia sẻ sẽ giúp FIPI truy cập được rất nhiều dữ liệu ảnh khác nhau, tại các thời điểm khác nhau. Ðơn vị đang thực hiện nhiệm vụ dự án điều tra, đánh giá giám sát tài nguyên rừng quốc gia từ năm 2016 - 2020, yêu cầu hằng năm phải công bố các dữ liệu, kết quả liên quan đến thay đổi hiện trạng rừng, do đó việc tiếp cận được dữ liệu từ Vietnam Data Cube sẽ giúp đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Trong giai đoạn đầu, Vietnam Data Cube tập hợp dữ liệu từ các vệ tinh quan sát trái đất như LandSat (Hoa Kỳ), Sentinel (Cộng đồng châu Âu), ALOS (Nhật Bản) phục vụ ứng dụng cho toàn bộ lãnh thổ và phát triển các ứng dụng cho Việt Nam là theo dõi rừng, theo dõi lúa và theo dõi mặt nước. PGS, TS Phan Văn Kiệm (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trong tương lai, sẽ cung cấp dữ liệu vệ tinh phù hợp của Việt Nam được thực hiện thông qua Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nhằm mở rộng hệ thống phục vụ không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực tiểu vùng sông Mê Công và Ðông - Nam Á.

NHẬT MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/35813602-ung-dung-nguon-du-lieu-anh-ve-tinh.html