Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng: Sử dụng 60% kinh phí khoa học

Không chỉ dành tới 60% kinh phí đầu tư cho khoa học để đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (CNC), ở Lâm Đồng cơ chế đặt hàng nghiên cứu cũng được áp dụng tối đa.

Đó là chia sẻ của bà Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lâm Đồng - về kinh nghiệm thúc đẩy ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tiễn, đặc biệt là nông nghiệp CNC.

Bà Võ Thị Hảo cho biết, diện tích ứng dụng CNC trong nông nghiệp ở Lâm Đồng chỉ khoảng 45.000ha (chiếm 16,4% diện tích nông nghiệp) nhưng lại đóng góp tới 30% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh, bình quân đạt 300 triệu đồng/ha. Cá biệt có khoảng 700ha phát triển dược liệu, rau và hoa đạt doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/ha mỗi năm.

Theo bà Võ Thị Hảo, đây là kết quả của việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ thông qua một số nghị định, cũng như các hướng dẫn bằng văn bản của Bộ KH&CN, cũng là kết quả của việc triển khai kịp thời các nghị quyết, cơ chế chính sách tại địa phương. Cụ thể, ngay từ những năm 2003-2005, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nghị quyết đầu tiên về ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp. Tại thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh đã có 50 cơ sở nuôi cấy mô cung cấp giống cho bà con nông dân.

Mô hình trồng dâu công nghệ cao tại Đà Lạt. Ảnh: Hữu Nam

Năm 2010, Lâm Đồng ban hành tiếp nghị quyết đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp CNC toàn tỉnh với nhiều điểm khác biệt như tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân ứng dụng CNC vào sản xuất nên nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình. Do đó, đến nay toàn tỉnh đã có 8 doanh nghiệp nông nghiệp CNC được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận và 59 hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp CNC.

Chia sẻ về góc độ quản lý và vai trò của Sở KH&CN, bà Hảo cho biết, địa phương đã luôn tìm cách để sử dụng kinh phí hiệu quả. Có tới 60% kinh phí đầu tư cho khoa học của Lâm Đồng được dành vào việc đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp CNC (như chọn tạo giống, cung cấp và chuyển giao cho người dân). Tất cả các hoạt động này đều gắn chặt với doanh nghiệp.

“Cách làm của chúng tôi khi áp dụng Luật KH&CN 2013 là tách chức năng quản lý nhà nước của các sở, ngành ra khỏi chức năng nghiên cứu ứng dụng. Theo đó, gần như 100% nhiệm vụ của tỉnh do các viện, trường phối hợp với tỉnh và các cơ quan để triển khai. Các cơ quan trong tỉnh đưa ra đầu bài đặt hàng các viện, trường, đến khi có kết quả sẽ đưa về ứng dụng. Làm như vậy, chúng tôi vừa kết hợp được phương pháp của các viện, trường với thực tiễn của địa phương, vừa khuyến khích được các cơ quan cùng đóng góp và sử dụng kết quả đó” - bà Võ Thị Hảo nói.

Khẳng định thành công này có được một phần nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ KH&CN thông qua các chương trình như Phát triển tài sản trí tuệ địa phương, Nông thôn - Miền núi…, Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của bộ để có thể quản lý hiệu quả hơn việc ứng dụng CNC vào nông nghiệp, khai thác sử dụng đất đảm bảo yêu cầu.

Phương Nguyên

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/dia-phuong/ung-dung-nong-nghiep-cong-nghe-cao-o-lam-dong-su-dung-60-kinh-phi-khoa-hoc/20170714112319436p1c937.htm