Ứng dụng sách Tiếng Việt lớp 1- công nghệ giáo dục: Nhiều phụ huynh vẫn tỏ ra lúng túng

Dù đây là năm thứ 3 tỉnh TT-Huế áp dụng tài liệu dạy Tiếng Việt lớp 1- công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) cho 100% các trường học trên địa bàn, nhưng nhiều phụ huynh năm nay có con vào lớp 1 cũng tỏ ra lúng túng và bất ngờ.

Dù đây là năm thứ 3 tỉnh TT-Huế áp dụng tài liệu dạy Tiếng Việt lớp 1- công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) cho 100% các trường học trên địa bàn, nhưng nhiều phụ huynh năm nay có con vào lớp 1 cũng tỏ ra lúng túng và bất ngờ.

Sở GD-ĐT TT-Huế kiến nghị điều chỉnh giảm bớt lượng chữ, điều chỉnh các bài dài và khó…trong sách TV1-CNGD.

Sở GD-ĐT TT-Huế kiến nghị điều chỉnh giảm bớt lượng chữ, điều chỉnh các bài dài và khó…trong sách TV1-CNGD.

Giao quyền chủ động cho giáo viên

Chị Nguyễn Thị Th. (trú H. Phú Vang, TT-Huế) năm nay có con học lớp 1 cho biết, sau khi học ở trường về, con gái chị đưa cuốn sách TV1- CNGD ra để hỏi cách đọc câu thơ từ các ô vuông thì chị tỏ ra bất ngờ. "Lúc này, tôi lật một số trang đầu thì thấy có nhiều ký hiệu hình vuông, tam giác và hình tròn, hoàn toàn khác với cách học truyền thống trước đây". Lúc này, chị Th. cầm cuốn sách chạy đi hỏi một số nhà hàng xóm có con học lớp 1 thì thấy quyển sách nào cũng giống nhau. Hôm sau, chị Th. đến hỏi thăm cô giáo thì mới biết được đây là loại tài liệu mới mà ngành giáo dục TT-Huế đã áp dụng cho 2 khóa trước rồi. "Với cuốn sách mới này, trình độ cấp 3 như tôi thì nhìn vào rất rối", chị Th. nói.

Tương tự, chị Minh An (trú TP Huế), năm đầu tiên có con vào lớp 1, cho biết, những ngày đầu kiểm tra bài vở cho con, chị lúng túng vì sách TV1-CNGD có nhiều chỗ "lạ" và khó hiểu. "Để giúp con học tốt, mình đã thường xuyên trao đổi với cô giáo và chính bản thân cũng phải "học" theo sách mới này để bày vẽ thêm cho con khi ở nhà", chị An kể.

Trường Tiểu học (TH) Trần Quốc Toản (TP Huế) triển khai dạy TV1-CNGD từ năm học 2016-2017. Khi nhà trường mới triển khai, giáo viên (GV), học sinh (HS) và phụ huynh trong trường khá lúng túng. Một số phụ huynh cho trẻ học chữ trước trong hè nên khi học phương pháp mới các em vẫn đánh vần theo cách cũ dẫn đến không có sự thống nhất giữa gia đình và nhà trường trong quá trình dạy và học. GV đã quen với nếp dạy cũ nên khi tiếp cận với phương pháp mới còn lúng túng khi phân tích tiếng, từ. Cô giáo Phạm Lê Nguyên Phương- GV dạy lớp 1, chia sẻ: Việc dạy TV1-CNGD còn khá mới mẻ nên một số phụ huynh có tâm lý lo lắng. Tuy nhiên, các em đều học 2 buổi nên giáo viên có thể ôn luyện từng em một, đảm bảo HS đều đạt chuẩn kiến thức. GV đã phô-tô tài liệu hướng dẫn phương pháp để phụ huynh có thể dạy thêm cho con.

Còn cô Nguyễn Thị Hồng Phượng dạy lớp 1 tại Trường TH Vĩnh Ninh (TP Huế) cho rằng, mục đích của việc sử dụng các hình vuông, hình tròn và hình tam giác chỉ là để thay các tiếng trong 1 câu thơ, chứ không phải thay thế các hình đó để đánh vần hay học chữ. Bởi, phần học này các em chỉ học trong vòng 7 tiết, sau đó các em vào học chữ cái bình thường. Vì vậy, không thể nói hình vuông, hình tam giác, hình tròn thay cho cách đánh vần, học chữ cho các em được.

Một chuyên viên của Sở GD & ĐT tỉnh TT-Huế cho biết, với việc thay đổi bộ sách giảng dạy, nhiều lớp tập huấn dạy theo phương pháp mới đã được Sở GD-ĐT tỉnh triển khai đến các trường. Đồng thời, Trường ĐH Sư phạm Huế cũng theo đó thay đổi giáo trình đào tạo môn Giảng dạy Tiếng Việt theo bộ sách CNGD nhằm trang bị cho GV và sinh viên những kiến thức chuẩn, từ đó giảng dạy có hiệu quả cho các em HS.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế, các trường học giao quyền chủ động cho GV về thời gian, lượng kiến thức sao cho phù hợp với đặc điểm lớp mình phụ trách. Đối với những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, Sở chỉ đạo tăng thời lượng học môn tiếng Việt khi tăng tiết ở buổi học thứ hai. Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế đã chỉ đạo các trường tuyên truyền, tập huấn cho phụ huynh có con học lớp 1 về tài liệu TV1-CNGD. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chỉ một số ít trường thực hiện và phần lớn các trường trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tuyên truyền, tập huấn cho phụ huynh. Vì vậy, mỗi khi con em hỏi bài thì nhiều phụ huynh đành "bó tay".

Kiến nghị điều chỉnh

Toàn tỉnh TT-Huế hiện có có 227 trường TH với trên 14.570 HS học tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu TV1-CNGD. Khảo sát mới đây của Sở GD-ĐT tỉnh cho thấy, dạy TV1-CNGD bước đầu giúp HS hình thành các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết một cách vững vàng; phát huy khả năng tư duy của HS, giúp các em nắm chắc cấu tạo ngữ âm của tiếng nên đều đọc được và đọc tốt. Chương trình chú ý đến việc tự học thông qua hình thức tự luyện tập của HS; chú trọng cách viết chính tả qua việc đưa ra các luật chính tả, giúp HS phân biệt các hiện tượng chính tả thông qua các từ và cụm từ. Nội dung ngữ liệu phong phú, đa dạng, có tác dụng phân hóa HS.

Trong khi đó, một GV lớp 1 ở H. Quảng Điền (TT-Huế) chia sẻ, dạy TV1 - CNGD phải tuân thủ theo thiết kế nên quy trình đôi khi không phù hợp với thực tiễn của HS. Chương trình không yêu cầu giải thích từ, giải nghĩa từ mà chỉ chú trọng dạy tiếng âm, vần, luật chính tả nên HS không hiểu từ khó, không nhớ từ mới, từ khó. Nhiều từ quá xa lạ đối với các em. Bài đọc và viết chính tả dài quá sức, nhất là những em tiếp thu chậm. Ngoài ra, một số HS nghỉ học do ốm đau thì tiếp thu bài học sẽ khó khăn vì mạch kiến thức TV1- CNGD liền mạch.

Qua nắm bắt tình hình triển khai dạy TV1 - CNGD, Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế kiến nghị Bộ GD-ĐT nên giảm bớt kênh chữ ở sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 ở tập 2 và 3; giảm bớt lượng chữ trong bài của mỗi tiết học; cần điều chỉnh một số bài quá dài và quá khó; thiết kế chương trình cần chú trọng luyện nói cho HS; GV được linh hoạt thay đổi thiết kế để phù hợp với đối tượng HS mà họ đang giảng dạy; chuyển chính tả nghe viết học kỳ 1 sang học kỳ 2; nên cần có sự điều chỉnh lại các bài có số lượng từ 4 đến 6 vần để HS nắm chắc hơn trong một tiết dạy. Đồng thời, GV và phụ huynh cần có sự tương tác để đảm bảo HS đạt chuẩn kiến thức trước khi học lớp 2.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_195822_ung-dung-sach-tieng-viet-lop-1-cong-nghe-giao-duc.aspx