Ủng hộ TP.HCM phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD

Nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn TP.HCM được phân cấp mạnh mẽ, nhanh chóng phát triển triển giao thông và đô thị theo mô hình TOD.

 TOD (Transit Oriented Development) là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Ảnh: Quỳnh Danh.

TOD (Transit Oriented Development) là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Ảnh: Quỳnh Danh.

Phần lớn đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ việc trao thêm cơ chế đặc thù cho TP.HCM thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong phiên thảo luận chiều 8/6. Thậm chí, nhiều đại biểu đề nghị có những cơ chế đột phá hơn nữa, phân cấp, phần quyền nhiều hơn.

Đại điện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các chính sách được thiết kế nhằm tạo động lực mạnh hơn để phát triển TP.HCM, nhưng phải phù hợp Hiến pháp, quy định của pháp luật, đồng thời phải dễ kiểm tra, giám sát.

Phát triển nhanh đường sắt nhờ TOD

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng trong bối cảnh vay vốn ODA giá rẻ ngày càng khó, ngân sách hạn chế thì việc trao cho TP.HCM thí điểm áp dụng TOD là điều rất quan trọng. TOD (Transit Oriented Development) là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.

Đây là một trong những đề xuất của cơ quan soạn thảo áp dụng cho TP.HCM.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh). Ảnh: Quochoi.

Theo đại biểu, đối với không gian đô thị, áp dụng TOD sẽ giúp hình thành đô thị nén dọc theo các nhà ga của giao thông công cộng. Điều này không chỉ giúp tăng cường kết nối giao thông công cộng, giúp dễ dàng tiếp cận nhà ga, sử dụng quỹ đất phát triển đô thị hiệu quả hơn.

Các nhà ga công cộng khi phát triển đường sắt đô thị sẽ giúp hình thành các khu đô thị, làm tăng giá trị đất đai. Nguồn thu được sẽ một phần hỗ trợ vận hành hệ thống đường sắt, một phần bù lại chi phí xây dựng rất lớn. Ông cũng dẫn kinh nghiệm ở một số quốc gia khác, xây dựng các trung tâm thương mại, khu đô thị, khu dịch vụ trong phần phụ cận nhà ga của phương thức TOD sẽ giúp bù đắp một phần nguồn thu ngân sách.

"Chúng ta có thể tận dụng không gian trên cao của các nhà ga đường sắt bởi nơi đó hệ số đất tăng thêm. Song song đó, có thể thu được thêm từ xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ", ông nói.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương một lần nữa ủng hộ việc thí điểm TOD ở TP.HCM, phù hợp khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, từng bước giải quyết các vấn đề giao thông, đô thị. Đây cũng là tiền đề để triển khai TOD tại các thành phố trên cả nước.

Cũng bàn về việc cơ chế thí điểm TOD, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đề nghị bổ sung và nhấn mạnh nguyên tắc “đảm bảo phù hợp với kế hoạch phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu” nhằm đảm bảo các đô thị ở vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt và vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3 thuộc địa phận TP.HCM đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng bền vững, cũng như thích ứng trước những kịch bản của biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, thảm họa ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế đồ án.

Ông nhấn mạnh yếu tố ứng phó với biến đổi khí hậu so với dự thảo nghị quyết: “Đối với vùng phụ cận các nhà ga, các nút giao thông, Ủy ban nhân dân Thành phố được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật so với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy chuẩn xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu”.

Không xây trạm BOT nếu chỉ cải tạo mặt đường

Đại biểu cũng góp ý quy định TP.HCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư công trình đường bộ hiện hữu. Ông đồng tình với nội dung này, tuy nhiên, đề nghị chỉ áp dụng đối với các dự án mở rộng và hiện đại hóa các công trình đường bộ hiện hữu, không áp dụng đối với dự án nâng cấp.

Điều này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp; đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm, vai trò của TP trong bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông hiện hữu mà không còn điều kiện, khả năng để mở rộng mặt đường.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp). Ảnh: Quochoi.

Với đề xuất "ngân sách TP.HCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí”, đại biểu Hải Anh đề nghị quy định rõ hơn nội dung chi từ số thu tăng thêm này theo hướng ưu tiên cho một số lĩnh vực.

Ông đề nghị chỉ nên tập trung chi cho một số nội dung như chi để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, chi thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và ưu tiên chi hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội...

"Cần ưu tiên hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các đối tượng dễ bị tổn thương chưa được hưởng 100% hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách Nhà nước…, nhằm đảm bảo thực hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau", ông nói.

Trao quyền để bộ máy năng động hơn

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) thì góp ý về việc tổ chức chính quyền trong dự thảo nghị quyết. Bà cho rằng với việc bổ sung một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố và TP Thủ Đức thì khá "lẻ tẻ", không cần thiết phải thuộc thẩm quyền Quốc hội. Bà đề xuất phân quyền cao hơn bằng cách Quốc hội phân quyền HĐND TP.HCM được quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND.

Cơ quan này cũng có thể quy định về tiêu chuẩn, định mức, tổng biên chế, phân quyền cho UBND bố trí cán bộ, công chức, không vượt quá tổng biên chế HĐND quyết định, hay còn gọi là khoán biên chế.

Đại biểu nhấn mạnh việc tăng sự chủ động và phân quyền cho TP.HCM sẽ giúp tăng tính hiệu quả trong quản lý, nhất là với mô hình đại đô thị như TP.HCM. Thành phố hiện nay đóng góp GDP là 17% ngân sách cả nước. Riêng TP Thủ Đức thu ngân sách 20.100 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu 46 tỉnh, thành khác trong cả nước.

"Trao quyền làm tăng khả năng đáp ứng kịp thời; rút ngắn trình tự, thủ tục; tạo sự chủ động cho địa phương; làm tăng hiệu quả bộ máy; quản lý nguồn lực tốt hơn", đại biểu nói.

Bà Thủy cũng cho rằng về lâu dài cần nghiên cứu luật các đô thị đặc biệt, để phát triển các đô thị đặc biệt như Thủ Đức, thành phố phía bắc sông Hồng ở Hà Nội, Phú Quốc...

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) thì góp ý về quy định trong dự thảo quy định các hợp đồng đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế không thấp hơn 100 tỷ. Bà cho rằng việc thu hút nguồn lực bằng cơ chế PPP vào lĩnh vực y tế là rất cần thiết, giúp đầu tư cho cơ sở y tế mua máy móc, nâng cao cơ sở vật chất. Do đó, cần bỏ định mức 100 tỷ áp dụng PPP cho lĩnh vực y tế.

Thuận Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ung-ho-tphcm-phat-trien-duong-sat-do-thi-theo-mo-hinh-tod-post1438240.html