Ủng hộ Ukraine không giới hạn, Ba Lan sốc vì lượng nông sản ùn ùn qua biên giới, nông dân 'sụp đổ'

Hoặc giúp Ukraine vô điều kiện hoặc quay lại bảo vệ nền kinh tế của chính mình, Ba Lan ngày càng lâm vào tình trạng khó xử khi khối lượng hàng nông sản nhập khẩu từ Ukraine có vẻ như không có giới hạn.

Ủng hộ Ukraine không giới hạn, Ba Lan sốc vì lượng nông sản ùn ùn qua biên giới, nông dân ‘sụp đổ'. Trong ảnh: Dòng xe vận chuyển ngũ cốc của Ukraine ùn ùn xếp hàng đợi qua biên giới vào Ba Lan. (Nguồn: DPA)

Sau khi Nga khởi động Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (2/2022), bắt đầu từ tháng 5/2022, nhằm tỏ rõ sự ủng hộ Kiev, Liên minh châu Âu (EU) đã mở cửa cho phép Ukraine xuất khẩu lượng nông sản bị ùn ứ, không tiêu thụ được vào thị trường chung EU, sau khi các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đen bị phong tỏa.

Theo đó, các quốc gia thành viên EU đồng ý nhập khẩu một số sản phẩm từ Ukraine mà không hạn chế về số lượng, không phải làm thủ tục hải quan và kiểm tra chính thức.

Giúp vô điều kiện hay tự bảo vệ chính mình?

Trước tháng 2/2022, Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì, ngô, lúa mạch và dầu hướng dương lớn nhất thế giới. Nền sản xuất Đông Âu này xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ tư thế giới, cung cấp khoảng 42% dầu hướng dương, 16% ngô và 9% lúa mì cho toàn cầu.

Tuy nhiên, các số liệu của nền kinh tế này đã thay đổi rất nhiều sau năm 2022. Theo thông tin từ Đại diện thương mại, kiêm Thứ trưởng Bộ Kinh tế Ukraine Taras Kachka, nước này chỉ còn vận chuyển được khoảng 99,8 triệu tấn hàng hóa ra nước ngoài vào năm 2022 - kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã giảm tới 35%, chỉ đạt 44,1 tỷ USD. Và EU chính là đối tác nhập khẩu hàng hóa Ukraine lớn nhất, chiếm 63% doanh số xuất khẩu của nước này.

Kể từ khi đóng cửa nhiều cảng trên Biển Đen, cũng như các đường biên giới với Nga và Belarus, Ukraine ngày càng gắn chặt với nền kinh tế EU như một lẽ tự nhiên. EU đã quyết định hỗ trợ Kiev giải phóng khối lượng ngũ cốc bị dồn ứ thông qua “các tuyến đường đoàn kết”, bằng cách điều chỉnh các tuyến đường bộ và đường sắt nối Ukraine với châu Âu.

Vì thế, thay vì được xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine vẫn ở lại các nước láng giềng, gây bão hòa cho các kho chứa, khiến hàng loạt sản phẩm phải giảm giá và vì vậy, gián tiếp gây bất ổn cho các thị trường này và nông dân sở tại.

Hồi cuối tháng 4/2023, sau nhiều cuộc thảo luận với các quan chức Ủy ban châu Âu (EC), cũng như các bộ trưởng nông nghiệp của Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia, cũng như với đối tác Ukraine, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan cho rằng, nhiều loại nông sản của Ukraine như sữa, thịt gia cầm và các loại thực phẩm khác nên được đưa vào danh sách cấm nhập khẩu tạm thời của EU.

Còn Hungary cáo buộc tỷ lệ lớn hàng nông sản của Ukraine sau khi được đưa vào EU đã không được xuất khẩu tiếp mà bị bán phá giá. Ngày 17/4, Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Istvan Nagy cho biết, nước này sẽ sử dụng "mọi biện pháp có thể" để bảo vệ nông dân của mình khỏi sự gián đoạn thị trường do hoạt động nhập khẩu ngũ cốc khối lượng lớn từ Ukraine, đồng thời đề nghị EU có động thái phản ứng chung.

Trên thực tế, phần lớn ngũ cốc sản xuất tại Ukraine vốn có giá rẻ hơn các sản phẩm tương tự ở EU, tồn tại ở các nước Trung Âu do không thể xuất đi khu vực khác vì tắc nghẽn hậu cần, ảnh hưởng đến giá bán và lưu thông sản phẩm của nông dân các nước thuộc châu Âu.

Báo Tầm nhìn (vzglyad.ru)của Nga mới đây thông tin cho biết, không chỉ nông dân địa phương đang nói về vấn đề này, mà cả một số chính quyền cũng đang đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, EC, cơ quan được kêu gọi điều chỉnh các vấn đề nói trên, cho đến nay vẫn phớt lờ các yêu cầu, thậm chí cả yêu cầu từ Warsaw.

Điều gì có thể xảy ra sau nỗ lực của EC?

Vậy nỗ lực của EC nhằm làm cho cuộc sống của nông dân Ukraine dễ dàng hơn sẽ dẫn tới điều gì?

Ba Lan bị "sốc" trước khối lượng nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine. Điều này đã được Giáo sư Arkadiusz Artyshak tại Đại học Khoa học tự nhiên Warsaw nêu trong một cuộc phỏng vấn với tờ Rzeczpospolita. Theo đó, ông Artyshak cho biết, trong cả năm ngoái, nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine vào Ba Lan đã tăng 168 lần so với năm 2021 và nhập khẩu ngô tăng 300 lần so với cùng kỳ.

Ngoài ra, vị Giáo sư này còn cho biết thêm, trong 4 tháng đầu năm 2023, lúa mì Ukraine được nhập khẩu vào Ba Lan nhiều hơn 610 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hơn nữa, ông lưu ý, dữ liệu trên rất có thể vẫn chưa được tổng hợp đầy đủ.

Giáo sư Artyshak nói rằng, các công ty mua hiện không ký hợp đồng, bởi họ vẫn hy vọng vào ngày 15/9, lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine sẽ được dỡ bỏ và họ còn có thể mua ngũ cốc với giá rẻ hơn nữa. Giáo sư Artyshak gọi một kịch bản như vậy là "sự sụp đổ của nông dân Ba Lan".

Tuy nhiên, các vấn đề của Warsaw không dừng lại ở đó. Những khó khăn mới đối với Ba Lan liên quan đến nguồn cung mâm xôi và dâu tây của Ukraine.

Theo người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Ba Lan, ông Robert Telyus, chính quyền đã buộc phải gửi yêu cầu hạn chế nhập khẩu lên EC. Trong khi đó, ngay từ ban đầu, vấn đề này đã được nông dân địa phương cảnh báo.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ba Lan Janusz Kowalski lưu ý rằng, 42.000 nông dân trồng mâm xôi của Ba Lan vẫn đang chờ đợi một giải pháp trong lĩnh vực này. Vào năm 2022, họ đã trồng 105.000 tấn quả mâm xôi trên 21.000 ha đất, nhưng giờ đây họ đang lo lắng khi nhập khẩu quả mọng đông lạnh từ Ukraine đến Ba Lan đã tăng 1/3, lên mức 22.000 tấn.

Đây không phải là tháng đầu tiên mà ngũ cốc Ukraine gây ra vấn đề ở Đông Âu. Trở lại hồi tháng 4/2023, làn sóng tẩy chay ngũ cốc đã cho thấy thái độ của người châu Âu đối với tương lai của kinh tế Ukraine.

Không ít người đã cảnh báo EU không thể thấy trước hậu quả của việc bãi bỏ hạn ngạch cho hàng nông sản từ Ukraine - có thể khiến các thành viên EU rơi vào tình thế buộc phải lựa chọn, hoặc tiếp tục giúp Ukraine không giới hạn hoặc quay trở lại "cứu" nền kinh tế của chính họ.

Hiện tại, các chuyên gia nhận định, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. Ba Lan có thể sẽ khá bí bách trước áp lực của EC - có ý định tiếp tục tập trung vào việc giúp đỡ nông dân Ukraine.

Nhà kinh tế học Ivan Lizan cho biết: “Ba Lan đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu EU về sản xuất quả mâm xôi. Và chỉ trong 1 năm, hơn 20.000 tấn quả mọng Ukraine đã đổ vào thị trường nội địa của họ. Đây là con số rất lớn. Đương nhiên, Warsaw không thể hài lòng với tình trạng này”.

Chuyên gia này nhắc lại vấn đề: “Tuy nhiên, rõ ràng là EC sẽ không đồng ý với việc áp đặt các hạn chế. Thực tế là ban đầu xuất khẩu của Ukraine được chia thành ba khu vực địa lý - SNG với thị trường dẫn đầu ở Nga, các nước ngoài ở xa và EU. Khi Chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu, hai thị trường SNG và nước ngoài đã bị phá hỏng. Thị trường của Liên minh châu Âu trở thành phương án đầu tiên và duy nhất. EC - trong nỗ lực giúp cuộc sống của người Ukraine dễ dàng hơn, đã hủy bỏ hạn ngạch xuất khẩu. Sau đó thì, tất cả nguyên liệu thô của Ukraine ồ ạt tràn vào EU”.

Theo phân tích của Nhà kinh tế học Lizan, “Một mặt, ở đây có một điểm cộng cho chăn nuôi - ngũ cốc rẻ của Ukraine làm tăng lợi nhuận cho mặt hàng thịt. Tại một số thời điểm, người Ba Lan thậm chí còn tăng số lượng lợn và xuất khẩu sang Ukraine. Nhưng mặt khác, sản xuất cây trồng của họ lại đang bị ảnh hưởng lớn do một lượng lớn lúa mỳ Ukraine trên thị trường”.

Nhà kinh tế học Anton Lubich cho biết thêm, theo nhiều ước tính khác nhau, chỉ riêng trong năm 2022-2023 đã có từ 5 đến 7 triệu người rời Ukraine, khiến tiêu dùng trong nước giảm mạnh hơn nhiều so với sản xuất.

Chuyên gia Anton Lubich bình luận, khi các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine tràn vào Ba Lan, sản phẩm của nông dân nước này không thể cạnh tranh về giá thành. Một quốc gia có quyền tự quyết trong tình huống như vậy sẽ đưa ra mức giá xuất khẩu tối thiểu. Điều đó sẽ giúp họ có thể "kiếm tiền" mà không phải trả giá bằng chính lợi ích của nông dân.

(theo vzglyad.ru, TTXVN)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/u-ng-ho-ukraine-khong-gioi-han-ba-lan-soc-vi-luong-nong-san-un-un-qua-bien-gioi-nong-dan-sup-do-235012.html