Ứng phó dông lốc, gió giật và mưa đá

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ đêm 3-4, một đợt không khí lạnh yếu sẽ tràn xuống miền bắc nước ta.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ đêm 3-4, một đợt không khí lạnh yếu sẽ tràn xuống miền bắc nước ta.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực miền núi và trung du miền núi phía bắc sẽ xuất hiện mưa dông với cường độ tương đối mạnh, có khả năng xuất hiện mưa đá. Đợt không khí lạnh này kéo dài từ ngày 3 đến 6-4. Nhiệt độ khu vực miền bắc giảm xuống không đáng kể, mưa nhỏ sẽ xuất hiện ở đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

* Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, ngày 2-4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) đề nghị Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh và thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh. Tổ chức kiểm tra rà soát an toàn nơi ở của người dân, sẵn sàng các phương án chủ động ứng phó khi có tình huống xấu, nhất là bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ.

* Trên sông Đà, lưu lượng đến hồ Hòa Bình đang dao động theo điều tiết của thủy điện Sơn La. Mực nước sông Thao, hạ lưu sông Lô và sông Hồng đang biến đổi chậm, lúc 7 giờ ngày 2-4 mực nước tại Hà Nội là 1,06 m. Trên sông Đà, lưu lượng đến hồ Hòa Bình tiếp tục dao động theo điều tiết của thủy điện Sơn La. Mực nước sông Thao, hạ lưu sông Lô và sông Hồng tiếp tục biến đổi chậm. Đến 7 giờ ngày 4-4 mực nước tại Hà Nội có khả năng ở mức 1,3 m.

* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ, tổng đàn bò của tỉnh hiện có 112.000 con, đàn trâu 59.000 con. UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các ngành, địa phương, nhất là ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục (VDNC) cho đàn trâu, bò bảo đảm hiệu quả theo hướng xã hội hóa; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp gia súc bị bệnh; kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lây lan...

* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, từ khi xuất hiện ổ dịch VDNC đầu tiên vào ngày 27-2, đến nay, dịch diễn biến phức tạp với số trâu, bò mắc bệnh liên tục tăng. Hiện tất cả các huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình đều xuất hiện ổ dịch VDNC; trong đó, huyện Quỳnh Phụ có 23 thôn thuộc 10 xã có dịch.

* Tại tỉnh Thái Nguyên, dịch VDNC đã lan ra nhiều địa phương. Ngày 1-4, UBND huyện Phú Lương công bố dịch VDNC tại xã Yên Đổ khi phát hiện năm con bò của một gia đình dương tính với bệnh này. Trước đó, dịch xuất hiện tại ba phường gồm Lương Sơn, Phố Cò và Châu Sơn (TP Sông Công); xã Tiên Phong (thị xã Phổ Yên), xã Bình Long (huyện Võ Nhai). Chính quyền địa phương và cơ quan thú y khoanh vùng ổ dịch, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại.

* Ngày 1-4, tỉnh Thanh Hóa có thêm 89 con bò mắc bệnh VDNC của 73 hộ, 36 thôn, 30 xã ở chín huyện, thị xã buộc phải tiêu hủy 10 con bò mắc bệnh. Như vậy, đến ngày 1-4, dịch VDNC xảy ra trên 1.762 con trâu, bò của 1.293 hộ chăn nuôi ở 264 thôn, 89 xã thuộc 13 huyện, thị xã trong tỉnh Thanh Hóa.

Tìm thấy thi thể ngư dân mất tích trên vùng biển Quảng Bình

Ngày 2-4, Đồn Biên phòng Nhật Lệ (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) cho biết, vừa tìm thấy thi thể ngư dân mất tích trên vùng biển Quảng Bình. Trước đó ngày 28-3, anh Trần Văn Thanh, thuyền viên tàu cá QB-91171 TS bị rơi xuống biển mất tích. Sau đó, thi thể nạn nhân được một tàu cá ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới tìm thấy ở khu vực biển cách cửa Nhật Lệ khoảng 30 hải lý.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ung-pho-dong-loc-gio-giat-va-mua-da-640754/