Ứng phó sạt lở mùa mưa

Hiện nay đang vào mùa mưa, tình trạng sạt lở đất ven sông, ven biển lại tiếp diễn. Các địa phương trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh và di dời tài sản tại các khu vực sụp lún đến nơi an toàn.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển xảy ra dông lốc, triều cường dâng cao, sạt lở làm ảnh hưởng đến 51 hộ dân, thiệt hại gần 700 triệu đồng. Vào mùa mưa, tình trạng sạt lở đất ven sông diễn ra nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Ðiển hình tại Khóm 4, thị trấn Rạch Gốc, khoảng 12 giờ đêm 6/6 xảy ra sạt lở làm sụp lún 2 căn nhà của hộ dân. Lực lượng chức năng đã kịp thời di dời đồ đạc đến nơi an toàn. Hiện Khóm 4 có gần 10 hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, chính quyền địa phương đã đến từng hộ tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chủ động ứng phó giảm nhẹ thiệt hại về tài sản.

Những nơi có dấu hiệu sạt lở, chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo để người dân nâng cao ý thức, chủ động di dời, hạn chế thiệt hại.

Bà Phạm Thị Mỹ Trang, Khóm 4, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Mấy ngày qua mưa to nên nước chảy xiết, những nơi đất yếu đều bị lở đất, nửa đêm tôi nghe tiếng vách thiếc nứt, phía sau nhà tôi đã lún xuống khoảng 5 cm. Gia đình thông báo cho chính quyền địa phương hỗ trợ di dời những đồ dùng nặng ra khỏi khu vực sạt lở để bảo vệ tài sản. Trước mắt, chúng tôi phải tạm ở nhà người thân để theo dõi diễn biến sạt lở ra sao và có biện pháp ứng phó”.

Ông Nguyễn Văn Thuyền, Khóm 4, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Sạt lở diễn ra nhanh lắm, chỉ mới bước vào đầu mùa mưa mà nhiều căn nhà của các hộ dân ven sông đã có dấu hiệu sụp lún nặng. Chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo và tuyên truyền cho chúng tôi phải di dời đến nơi khác, nhất là vào ban đêm phải sơ tán người già, trẻ nhỏ, vì rất nguy hiểm”.

Ông Lâm Sĩ Em, Phó chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, thông tin: “Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị trấn Rạch Gốc thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, chỉ đạo các khóm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát các bản tin cảnh báo sạt lở đất qua trạm truyền thanh và loa lưu động trong khu dân cư để người dân chủ động ứng phó, vận động người dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Ngoài ra, chúng tôi luôn bố trí lực lượng trực 24/24, khi có tình huống sạt lở xảy ra kịp thời hỗ trợ người dân”.

Sạt lở đất ven sông, ven biển vào mùa mưa diễn biến khó lường

Hiện nay, tình trạng sạt lở đất ven sông, cửa sông, cửa biển trên địa bàn huyện Ngọc Hiển diễn biến khó lường, mức độ thiệt hại và số vụ sẽ tăng lên trong thời gian tới do trong mưa lớn kéo dài, cường độ nước chảy mạnh, thủy triều dâng cao, hạ thấp, gây áp lực đến khu vực đất ven sông, nhất là những khu vực đất dựng đứng, áp lực xoáy xói mòn, tạo hàm ếch..., mức độ cảnh báo đặc biệt nguy hiểm.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Vào thời điểm này, chúng tôi cùng với các xã, thị trấn đến những hộ dân sinh sống trong vùng trọng yếu để tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao nhận thức phòng tránh sạt lở, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tài sản, tính mạng của người dân”.

Trên địa bàn các xã, thị trấn huyện Ngọc Hiển có hơn 10 điểm sạt lở nguy hiểm; với tổng chiều dài hơn 3 km, ảnh hưởng khoảng 1 ngàn hộ dân. Thường những khu vực này được cảnh báo nguy hiểm và mức độ nguy hiểm càng trầm trọng hơn so với các năm trước. Theo đó, huyện Ngọc Hiển tiếp tục nghiên cứu rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư đồng bộ để có định hướng lâu dài./.

Hồng My - Chí Hiểu

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ung-pho-sat-lo-mua-mua-a28227.html