Ứng phó thiên tai để xây dựng nông thôn mới bền vững

Xây dựg nông thôn mới (NTM) đã vô vàn khó khăn với nhiều địa phương, đặc biệt các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, những thành quả ấy có thể sẽ 'đổ sông, đổ biển' nếu chẳng may hứng chịu một đợt thiên tai. Do đó, để xây dựng NTM bền vững, đặc biệt ở những vùng, những địa phương thường xuyên bị thiên tai cần giải bài toán ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Thiên tai đe dọa thành quả của nông thôn mới

Thôn 2A, xã Ea Ô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc) tuy thuộc xã đã đạt chuẩn NTM với nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với mặt bằng chung của huyện, nhưng thôn 2A thường xuyên phải đối mặt với hạn hán và mưa lũ. Thu nhập của người dân thôn 2A chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, cây cà phê và cây cao su, song đây cũng là những loại cây trồng chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai. Không những thế, do địa hình thấp trũng, nên chỉ cần một trận mưa lớn là giao thông từ thôn đến xã sẽ bị chia cắt, trẻ em không thể đến trường, cho đến nay chưa có giải pháp, nguồn lực để tháo gỡ bền vững.

Còn buôn Vân Kiều, xã Cư Elang (Ea Kar) là buôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực 3. Xã Cư Elang chỉ đạt dưới 10 tiêu chí NTM, thành phần dân cư buôn Vân Kiều hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số (có tới 9 dân tộc khác nhau). Buôn có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao (hơn 93%), sinh kế khó khăn do đất đai không thuận lợi, trình độ lao động thấp và đặc biệt đây là “rốn” thiên tai của huyện. Năm nào tại buôn cũng có lốc xoáy và bão, khi cần nước thì hạn hán, khi vào vụ thu hoạch thì mưa dầm dề, gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế và an toàn cuộc sống của người dân. Vì vậy, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM hiện đang là thách thức không nhỏ đối với buôn Vân Kiều.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thăm mô hình sản xuất của hộ gia đình nông dân tại xã nông thôn mới Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH) không chỉ tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp mà còn gây khó khăn để các địa phương đạt được các mục tiêu xây dựng NTM và khiến các kết quả xây dựng NTM ở nhiều nơi ít tính bền vững. Một số xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM do cơ sở hạ tầng bị thiên tai tàn phá đã bị kéo lùi bằng mức 5-7 năm về trước.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Xuân Mừng, Phó chánh Văn phòng thường trực NTM tỉnh Điện Biên cho hay: “Sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Điện Biên đạt được những kết quả tích cực, đã có 13 xã được công nhận là xã NTM. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện của trước mỗi đợt thiên tai, mưa lũ, bởi có nhiều xã đã hoặc sắp cán đích NTM thì thiên tai tàn phá nặng nề các công trình dân sinh, nhà cửa, đường sá, cầu cống, kênh mương thủy lợi, sản xuất nông nghiệp... Điển hình ở xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ đã đạt 16 tiêu chí trong xây dựng NTM thế nhưng đợt mưa lũ tháng 8-2018 gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế của người dân và việc xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai ở địa phương

Để xây dựng NTM bền vững, đặc biệt ở các khu vực thường xuyên hứng chịu thiên tai, tác động tiêu cực của BĐKH, trước tiên phải giải bài toán ứng phó thiên tai một cách hiệu quả, giảm thiệt hại.

Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, theo ông Nguyễn Minh Tiến, vấn đề đầu tiên là phải cung cấp thông tin và thay đổi nhận thức, kiến thức của cộng đồng, người dân trong ứng phó với thiên tai. Việc phòng, chống thiên tai (PCTT) chỉ có thể phát huy hiệu quả khi xuất phát từ ngay ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trên một nền tảng kiến thức, nhận thức, kỹ năng để ứng phó. Mặc dù chúng ta đã đưa vào tiêu chí về thủy lợi chủ động PCTT trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, nhưng còn cần phải lồng ghép vào các tiêu chí khác. Có như vậy, chúng ta mới ứng phó thiên tai, BĐKH hiệu quả, đồng bộ nhằm xây dựng NTM một cách bền vững.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, chương trình xây dựng NTM hoàn toàn có thể tạo điều kiện thuận lợi để gắn các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng BĐKH vào nội dung thực hiện, đặc biệt với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhằm bảo đảm tính bền vững cho những kết quả đạt được và tiêu chí đề ra, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ông Đặng Quang Minh, Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng (Tổng cục PCTT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, để nâng cao hiệu quả PCTT tại các địa phương cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTT các cấp từ Trung ương đến cơ sở theo hướng chuyên nghiệp, thường xuyên được đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Cùng với đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư hiện đại hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai ở các địa phương.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ung-pho-thien-tai-de-xay-dung-nong-thon-moi-ben-vung-552762