Ứng phó với biến động lao động

Xác định biến động lao động (thường xảy ra vào dịp đầu năm mới) sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh nên từ thời điểm này các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị phương án dự phòng nguồn lao động bằng cách ra thông báo tuyển dụng rầm rộ, đồng thời tăng chế độ phúc lợi nhằm 'giữ chân' và thu hút người lao động (NLĐ).

Người lao động Công ty TNHH Vina (phường Phước Tân, TP.Biên Hòa) tham gia hoạt động giải trí tại sân thể thao của công ty. Ảnh: H.Thảo

Người lao động Công ty TNHH Vina (phường Phước Tân, TP.Biên Hòa) tham gia hoạt động giải trí tại sân thể thao của công ty. Ảnh: H.Thảo

Theo các chuyên gia về lao động - việc làm, tỷ lệ biến động lao động ở mức ổn định là 4-6%. Tuy nhiên, đại diện một số DN trên địa bàn tỉnh cho biết, tỷ lệ biến động lao động tại nhiều DN thời gian qua cao hơn so với con số này và có những thời điểm, số lao động tuyển dụng mới chỉ đủ bù lại số lao động nghỉ việc trong tháng.

* Biến động lao động làm giảm năng suất lao động

Đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến động lao động như: sự chuyển dịch lực lượng lao động từ các DN trên địa bàn tỉnh sang các tỉnh thuộc khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Tây do sự hình thành các khu công nghiệp (KCN) mới tại đây; do DN tổ chức tăng ca quá nhiều hoặc quá ít, không phù hợp với nguyện vọng NLÐ, tiền lương và thu nhập chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ khiến NLĐ “nhảy việc”; các chế độ chính sách cho NLĐ còn hạn chế; DN dịch chuyển đi nơi khác, giảm quy mô hoặc đầu tư công nghệ hiện đại để giảm bớt lao động thủ công...

Đại diện nhiều DN cho rằng, dù là nguyên nhân gì thì nếu không được kiểm soát kịp thời, biến động lao động có thể làm giảm năng suất lao động của DN, khiến DN không đảm bảo được kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra. Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Cibao (KCN Suối Tre, TP.Long Khánh) La Thế Danh chia sẻ: “Biến động lao động càng lớn khiến chi phí tuyển dụng càng tăng lên, trong khi đó năng suất, chất lượng vẫn không được đảm bảo do lực lượng lao động mới mất thời gian làm quen với công việc”.

Ðể từng bước ứng phó với thực trạng trên, các DN đều phải chủ động chuẩn bị phương án dự phòng nguồn lao động để bù đắp, thay thế nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được liên tục, ít bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, DN đưa ra nhiều chính sách mới giúp nâng cao thu nhập, hỗ trợ đời sống cho NLĐ, nhằm giữ chân và thu hút NLĐ đến với DN.

* “Giữ chân” và thu hút NLĐ

Anh La Thế Danh cho biết thêm, tại Công ty TNHH Cibao, để chuẩn bị nguồn lao động ứng phó với biến động lao động, nhất là vào dịp đầu năm mới cũng như phục vụ cho nhu cầu mở rộng xưởng sản xuất của DN, công ty đang tuyển dụng lao động dưới nhiều hình thức với số lượng khoảng 2 ngàn người. Không chỉ tham gia các sàn giao dịch việc làm trong và ngoài tỉnh, treo các băng rôn, quảng cáo nhiều nơi, công ty còn xuống tận các chợ trên địa bàn TP.Long Khánh, các huyện lân cận và một số tỉnh, như Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu để tuyển dụng. Cùng với đó, đưa ra chính sách tặng 2 triệu đồng cho NLĐ khi mới được tuyển vào; hỗ trợ xe đưa đón NLĐ đi làm nếu ở xa; mua bảo hiểm tai nạn 24/24… cùng nhiều chế độ khác cho NLĐ nếu làm việc tại công ty.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Tombow Manufacturing Asia (KCN Amata, TP.Biên Hòa) cho biết, để có được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh và dự phòng cho biến động lao động đầu năm, công ty sẵn sàng chi “thưởng mạnh” nhằm thu hút NLĐ. Theo đó, trường hợp NLĐ đến ứng tuyển, ngoài tiền lương và các chế độ khác, chỉ cần làm đủ 3 tháng sẽ được thưởng thêm 1 triệu đồng, làm đủ 6 tháng sẽ được thưởng 2 triệu đồng. Trường hợp NLĐ tại công ty giới thiệu, làm đủ 3 tháng được thưởng 500 ngàn đồng; làm đủ 6 tháng thưởng 1 triệu đồng. NLĐ tại công ty giới thiệu được từ 5 lao động mới cho công ty trở lên sẽ được nhận thêm 1 phần quà của tổng giám đốc trị giá 1 triệu đồng…

Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Sài Gòn (trụ sở chính tại TP.Hồ Chí Minh, hiện có 2 chi nhánh ở huyện Long Thành) cho hay: “Nguồn lao động là tài sản quý nhất của DN. NLĐ an tâm làm việc, gắn bó cống hiến cho DN sẽ giúp DN ngày càng phát triển ổn định. Ngược lại biến động lao động sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh. Do vậy, DN luôn có giải pháp để NLĐ cảm thấy tin tưởng, hài lòng khi làm việc tại DN. Bên cạnh đó, nỗ lực mang thêm những chính sách ngày một tốt hơn nhằm cải thiện đời sống và thu nhập cho NLĐ, giúp lao động an tâm làm việc gắn bó lâu dài, không để xảy ra tình trạng biến động lao động”.

Tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Sài Gòn, hiện gần 100 NLĐ có hoàn cảnh khó khăn đang được ở khu ký túc xá miễn phí, được hỗ trợ 2 bữa ăn chính miễn phí. Ngoài khu ký túc đang được sử dụng này, công ty đang xây dựng một khu khác quy mô 100 phòng cho 400 lao động cũng tại huyện Long Thành. Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ NLĐ đi du lịch, chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ, thưởng năng suất, thưởng “nóng”… cho NLĐ. Công ty còn hỗ trợ 100% vé xe hai chiều và tổ chức đưa đón NLĐ về quê đón Tết, lì xì đầu năm cho NLĐ…

“Tất cả đều hướng tới mục tiêu tạo môi trường tốt nhất cho NLĐ an tâm gắn bó lâu dài với DN” - bà Nguyễn Thị Anh Thư nhấn mạnh.

Theo Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, DN càng chủ động quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân bằng việc tích cực cải thiện và nâng cao các khoản phúc lợi, phụ cấp, trợ cấp hằng tháng, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo khác về mặt tinh thần... cho NLĐ thì NLĐ sẽ càng yên tâm gắn bó lâu dài với DN, NLĐ sẽ ít có nguy cơ “nhảy việc”, tránh được tình trạng biến động lao động. Từ đó, tình hình sản xuất kinh doanh, quan hệ lao động tại DN sẽ càng ổn định và phát triển.

Hồ Thảo

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/congdoan/201912/ung-pho-voi-bien-dong-lao-dong-2976594/