Ung thư cổ tử cung

(TNTT&GT) Khó nhận biết do không gây đau và không có những dấu hiệu khác lạ chính là đặc điểm nguy hiểm nhất của căn bệnh ung thư cổ tử cung. Vậy có khả năng phòng ngừa bệnh này không?

Dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn và bị xem thường Bệnh ung thư cổ tử cung hình thành ở biểu mô cổ tử cung (cổ tử cung là cơ quan nối giữa âm đạo và buồng trứng). Đây là một loại bệnh ung thư có diễn tiến âm thầm nên hầu như không có triệu chứng cụ thể. Những triệu chứng của nó ở giai đoạn đầu như có huyết trắng nhiều, hôi, có màu vàng hoặc xanh, chị em sẽ nghĩ răng đây là dấu hiệu của một số bệnh viêm nhiễm đường sinh dục thường gặp. Khi bệnh đã nặng hơn thì thấy có nốt sùi ở cổ tử cung, chạm vào ra máu. Nếu lúc có dấu hiệu nặng mới phát hiện ra bệnh, hầu như sẽ phải cắt bỏ tử cung, thậm chí tính mạng bị đe dọa. Vì đặc điểm khó nhận biết như vậy, ở Việt Nam bệnh ung thư cổ tử cung có tỷ lệ tử vong cao vì thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Không chỉ Việt Nam, ở nước có nền y học phát triển mạnh mẽ như Mỹ, ung thư cổ tử cung cũng là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Theo tổ chức National Cancer Institute, năm 2009 nước Mỹ phát hiện thêm 11.270 ca mắc ung thư cổ tử cung mới trong đó có 4.070 trường hợp đã tử vong. Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là loại virus có tên Human papillomavirus (viết tắt: HPV). Virus này thường gây nhiễm ở phụ nữ có độ tuổi từ 30 đến 60 đã qua quan hệ tình dục. Đặc biệt, chủng 16 và 18 loại virus này là thủ phạm gây ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên hiện nay, phương pháp phết tế bào âm đạo- PAP’s có thể giúp phát hiện ung thư ngay từ lúc bệnh còn ở giai đoạn sớm. Nhờ đó cơ hội chữa trị mà không phải cắt bỏ tử cung của bệnh nhân ở mức cao. Vì thế, những phụ nữ đã có quan hệ tình dục hoặc trong độ tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh, cần đến các bệnh viện chuyên khoa phụ sản mỗi năm ít nhất một lần để thăm khám. Hiện có ý kiến cho rằng nếu cắt tử cung, buồng trứng không thể hoạt động bình thường vì động mạch cung cấp máu cho 2 buồng trứng là một nhánh của động mạch cung cấp máu cho tử cung, khiến cho máu cung cấp cho buồng trứng không đầy đủ nên buồng trứng không thể tiết hormone. Và bệnh nhân nếu phải cắt bỏ tử cung sẽ không thể quan hệ vợ chồng như bình thường, điều này gây hoang mang và mặc cảm lớn với nhiều chị em không may lâm vào tình trạng đó. Theo thạc sĩ, bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh, trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện Hùng Vương, ý kiến trên là không chính xác vì buồng trứng vẫn có động mạch riêng nuôi dưỡng và người bệnh khi kết thúc quá trình điều trị rồi vẫn có thể sinh hoạt vợ chồng bình thường. Chỉ có điều, sau khi cắt bỏ tử cung, người đó sẽ không còn khả năng sinh con. Cách phòng ngừa Ths. BS. Đặng Lê Dung Hạnh cho biết, cách tốt nhất để chị em phụ nữ phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục trong đó có bệnh ung thư cổ tử cung là khám phụ khoa định kỳ hằng năm. Với những bệnh này, phát hiện càng sớm, điều trị càng đơn giản và rẻ tiền. Hiện nay, phụ nữ dưới 26 tuổi đã quan hệ tình dục được khuyên nên đi chích ngừa HPV. Các loại vắc-xin được sử dụng là Cevarix và Gardasil. Chị em có thể đến các địa chỉ như các bệnh viện sản, trung tâm y tế dự phòng, viện Pasteur… để được chích ngừa. Chích ngừa vắc-xin không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe chỉ gây nóng sốt và đau tại chỗ tạm thời. Ngoài ra, giữ vệ sinh cá nhân là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Nguyễn Lý

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201013/20100326152924.aspx