Ung thư dạ dày và vi khuẩn H.P

Ung thư dạ dày là ung thư phổ biến thứ 5 trong tất cả các loại ung thư trên toàn thế giới, và đứng thứ 3 ở Việt Nam (theo Globocan - Tổ chức ghi nhận Ung thư Thế giới 2018). Nhiễm vi khuẩn H.P (Helicobacter Pylori) là nguy cơ cao nhất được biết đến của ung thư dạ dày.

Phẫu thuật nội soi điều trị ung thư dạ dày tại Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh).

Phẫu thuật nội soi điều trị ung thư dạ dày tại Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh).

50% dân số nhiễm vi khuẩn H.P

Trên thực tế, khoảng 50% dân số thế giới nhiễm H.P, loại vi khuẩn có thể gây viêm loét dạ dày mạn tính, yếu tố nguy cơ làm tiến triển ung thư dạ dày. Nếu không điều trị, vi khuẩn H.P sẽ cư trú cả đời trong dạ dày người.

Vi khuẩn H.P chủ yếu lây qua đường ăn uống, nước bọt, phân, dịch tiêu hóa. Quá trình lây nhiễm xảy ra khi sử dụng thức ăn hay nước uống không đảm bảo vệ sinh, có chứa vi khuẩn. Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm H.P cao do thói quen ăn uống chung giữa các thành viên trong gia đình, thói quen uống chuyền ly, gắp thức ăn mời khách trong các cuộc rượu.

Phòng ngừa nhiễm H.P

- Rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh

- Người đã được phát hiện có H.P không dùng chung chén bát, ly uống nước với người khác

- Chủ động tự chuẩn bị vật dụng ăn, uống riêng.

Vi khuẩn H.P được 2 nhà khoa học Warren và Marshall nuôi cấy thành công năm 1982. Những nghiên cứu dịch tễ gần đây xác định người bệnh dương tính với H.P có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn hẳn người không mắc. Năm 1994, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế (International Agency for Research on Cancer) đã xác định H.P chính là tác nhân gây ung thư. Năm 2005, hai nhà khoa học Marshall và Warren đã được trao giải Nobel Y học vì đã phát hiện ra vi khuẩn này và vai trò của nó trong bệnh loét dạ dày tá tràng.

Không phải mọi trường hợp nhiễm H.P diễn tiến ung thư dạ dày

Mặc dù ở hầu hết trường hợp, sự xâm nhập của H.P không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, việc nhiễm H.P trong thời gian dài làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển các bệnh lý tại dạ dày.

Vi khuẩn H.P tiết ra chất kích thích dạ dày sản sinh nhiều axit hơn, đồng thời tạo một số độc tố làm tổn thương các tế bào dưới lớp nhầy, làm suy yếu lớp nhầy dạ dày. Tác động này khiến niêm mạc dạ dày dễ bị ăn mòn bởi acid có trong dịch tiêu hóa của dạ dày, từ đó gây viêm loét dạ dày - tá tràng. Khoảng 10% người nhiễm H.P phát triển loét dạ dày tá tràng, 1 đến 3% phát triển ung thư biểu mô tuyến dạ dày. Diễn tiến ung thư khởi đầu với chuỗi viêm không teo dạ dày mạn tính => viêm dạ dày teo => tăng sản => loạn sản => ung thư.

Vi khuẩn H.P (Helicobacter Pylori) đã được khoa học xác định là tác nhân gây ung thư dạ dày.

Khi nào cần xét nghiệm

Việc xét nghiệm H.P và điều trị H.P chỉ nên tiến hành khi bệnh nhân bị viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc bị đau dạ dày bất thường, kéo dài dai dẳng, bệnh nhân viêm loét dạ dày-tá tràng đang diễn tiến; tiền sử bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng chưa điều trị H.P, người có các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, ăn uống khó tiêu chưa rõ nguyên nhân. Ngoài ra, các trường hợp có cha mẹ, anh chị em ruột bị ung thư dạ dày cũng có thể được chỉ định xét nghiệm H.P.

Hiện có các cách xét nghiệm phổ biến sau:

Nội soi tìm vi khuẩn trong dạ dày: Bác sĩ dùng ống nội soi nhỏ có gắn camera luồn vào dạ dày qua ống thực quản để quan sát bên trong dạ dày, qua nội soi mẫu sinh thiết quanh vị trí tổn thương cũng được lấy ra ngoài để làm xét nghiệm Clo Test, hoặc thực hiện nuôi cấy vi khuẩn. Phương pháp này giúp xác định vị trí tổn thương, chẩn đoán chính xác tình trạng viêm loét dạ dày, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Test hơi thở: Thực hiện đơn giản nhất cho người bệnh, ngay cả với trẻ em. Cho kết quả chính xác. Phương pháp này đặc biệt hữu ích đối với người cần đánh giá lại hiệu quả sau điều trị H.P.

Điều trị H.P, hạn chế nguy cơ ung thư dạ dày

Một nghiên cứu quy mô lớn và dài hạn tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, các quốc gia có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư dạ dày - đưa đến kết luận: ở những bệnh nhân có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày, việc điều trị nhiễm H.P giúp giảm hơn một nửa nguy cơ phát triển ung thư dạ dày.

Theo bác sĩ Nguyễn Phú Hữu, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, điều trị tiệt trừ vi khuẩn H.P đồng nghĩa với việc loại trừ nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày và yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra ung thư dạ dày. Hiện nay, kháng sinh được xem là chủ chốt trong phác đồ điều trị H.P, kết hợp với thuốc ức chế axit dạ dày, thường là thuốc ức chế bơm proton (PPI) để thay đổi môi trường sống của vi khuẩn và làm giảm đau dạ dày. Đối với một số trường hợp H.P kháng kháng sinh, bác sĩ có thể cho chỉ định thực hiện kháng sinh đồ. Dựa trên kết quả này, bác sĩ sẽ lựa chọn loại kháng sinh phù hợp để điều trị H.P cho người bệnh. Người bệnh cần tuân thủ điều trị, dùng thuốc đúng theo hướng dẫn để tránh vi khuẩn kháng kháng sinh.

Ứng dụng chất chỉ thị màu ICG trong phẫu thuật ung thư dạ dày

Bác sĩ Nguyễn Phú Hữu cho biết thêm: Nếu phát hiện sớm, ung thư dạ dày có khả năng được chữa khỏi và tiên lượng tốt hơn rất nhiều (tỉ lệ sống sau 5 năm khoảng 90%) so với giai đoạn muộn. Để phát hiện sớm ung thư dạ dày, khi có các triệu chứng gợi ý, người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa để thăm khám, tầm soát bằng nội soi dạ dày-tá tràng sinh thiết kết hợp với xét nghiệm H.P.

Dựa trên triệu chứng của bệnh nhân và kết quả cận lâm sàng để xác định giai đoạn của ung thư, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

Phẫu thuật: là điều trị cơ bản nhất. Phẫu thuật cắt bỏ đồng thời khối ung thư dạ dày và toàn bộ các hạch bạch huyết vùng hoặc cắt rộng nếu ung thư xâm lấn vào tạng ruột hay thành bụng.

Ung thư dạ dày có thể di căn xa đến các bộ phận khác trong cơ thể, thường gặp nhất là gan, phổi, phúc mạc và cho dù ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày vẫn có khả năng di căn hạch. Do đó, cần phải phẫu thuật loại bỏ cả khối ung thư tại chỗ lẫn các hạch nghi ngờ có sự xâm lấn của tế bào ác tính.

Để tăng cường hiệu quả điều trị, bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện phẫu thuật nội soi với hệ thống nội soi có chế độ huỳnh quang, cho phép bắt màu xanh tím của chất chỉ thị màu ICG (indocyanine green). Chất này sẽ được tiêm vào dạ dày giúp định vị ranh giới khối bướu, dưới ánh sáng huỳnh quang, hệ thống hạch bạch huyết quanh dạ dày sẽ hiện lên như một “bản đồ” rõ ràng giúp các bác sĩ phẫu thuật quan sát rõ ranh giới khối ung thư và mô lành, xác định các hạch di căn rõ ràng để nạo vét triệt để các hạch di căn và bảo tồn tối đa mô lành còn lại cho người bệnh.

Hóa trị hỗ trợ: Phác đồ hóa trị sau phẫu thuật tùy thuộc vào mức độ di căn hạch hay di căn xa. Có thể hóa trị trước phẫu thuật nếu đánh giá bướu đã lan tràn, di căn nhiều nơi trong cơ thể.

Yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày

- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori

- Ăn nhiều thực phẩm hun khói, thực phẩm

- Chứa nhiều muối, thực phẩm lên men

- Ăn ít trái cây, rau, củ, quả

- Hút thuốc lá

- Tiền sử gia đình có người ung thư dạ dày

- Viêm dạ dày mạn tính

- Cuộc sống căng thẳng, nhiều áp lực

Dấu hiệu

- Dấu hiệu sớm nhất thường gặp là cảm giác nặng bụng mơ hồ sau ăn mà người bệnh thường không coi trọng.

- Khi khối ung thư phát triển, người bệnh có thể có một hay nhiều triệu chứng sau:

- Mất cảm giác ngon miệng và sụt cân, Nôn mửa, đi tiêu phân đen, nôn ra máu, sờ được khối u vùng bụng...

-TRẦN NHUNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202010/ung-thu-da-day-va-vi-khuan-hp-910138/