Ứng viên Tổng thống Mỹ 'hiến kế' dập tắt bạo lực súng đạn

Tổng thống Donald Trump cùng 10 ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 đã đưa ra nhiều đề xuất để đối phó với tình trạng bạo lực súng đạn ở nước này.

 Bạo lực súng đạn đang trở thành vấn nạn nhức nhối ở nước Mỹ. Trước thực trạng hiện nay, Tổng thống Trump cùng 10 ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 đã đưa ra nhiều đề xuất để đối phó với tình trạng bạo lực súng đạn ở nước này. (Nguồn ảnh: Reuters)

Bạo lực súng đạn đang trở thành vấn nạn nhức nhối ở nước Mỹ. Trước thực trạng hiện nay, Tổng thống Trump cùng 10 ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 đã đưa ra nhiều đề xuất để đối phó với tình trạng bạo lực súng đạn ở nước này. (Nguồn ảnh: Reuters)

Trong một bài phát biểu ngay sau vụ xả súng hồi tháng 8/2019, Tổng thống Trump đề xuất biện pháp kiểm soát chặt chẽ Internet, cải cách luật về sức khỏe tâm thần và áp dụng phổ biến hơn án tử hình đối với những kẻ gây ra vụ xả súng kinh hoàng.

"Bệnh tâm thần và lòng căm ghét đã bóp cò, chứ không phải súng. Chúng ta phải ngăn chặn sự lan truyền bạo lực trong xã hội của chúng ta, trong đó có cả các trò chơi video ghê rợn đang phổ biến", ông Trump nói.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người ủng hộ việc gia hạn lệnh cấm vũ khí tấn công được áp dụng từ những năm 1990, đã kêu gọi chương trình mua lại súng của liên bang nhằm giảm bớt số lượng súng trên đường phố Mỹ.

Thượng nghị sĩ Mỹ Cory Booker đến từ New Jersey hồi đầu năm nay đã đề xuất kế hoạch gồm 14 phần để đối phó tình trạng bạo lực súng đạn. Đề xuất bao gồm một lệnh cấm vũ khí tấn công, giới hạn số lần mua súng ngắn mỗi tháng cùng chương trình cấp phép quốc gia cho việc sở hữu súng đạn, trong đó yêu cầu những người mua súng phải cung cấp dấu vân tay, hoàn thành khóa học về an toàn sử dụng súng, vượt qua bài kiểm tra lý lịch...

Thị trưởng Pete Buttigieg đến từ South Bend, bang Indiana, đã thông báo kế hoạch yêu cầu kiểm tra lý lịch toàn diện, đóng "lỗ hổng" mua bán súng và cấm vũ khí tấn công,...

Thượng nghị sĩ Kamala Harris đến từ bang California tán thành lệnh cấm vũ khí tấn công được đề xuất tại Thượng viện và ủng hộ kiểm tra lý lịch toàn diện.

Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar đến từ Minnesota cho biết bà đã thay đổi quan điểm về kiểm soát súng đạn sau khi gặp gia đình các nạn nhân trong vụ xả súng trường học Sandy Hook ở Connecticut hồi năm 2012. Nữ nghị sĩ cũng ủng hộ việc kiểm tra lý lịch toàn diện và lệnh cấm vũ khí tấn công,...

Cựu nghị sĩ Mỹ Beto O'Rourke đến từ bang Texas ủng hộ lệnh cấm vũ khí tấn công và kiểm tra lý lịch toàn diện, ngăn cản các thành viên Quốc hội nhận quyên góp chính trị từ các ủy ban vận động nhằm mục đích làm giảm ảnh hưởng của nhóm vận động hành lang Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đến từ Vermont ủng hộ kiểm tra lý lịch toàn diện, cấm bán và phân phối vũ khí tấn công, trấn áp hoạt động mua bán súng cho tội phạm.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đến từ Massachusetts ủng hộ một số biện pháp kiểm soát súng đạn, bao gồm lệnh cấm vũ khí tấn công, kiểm tra lý lịch toàn diện và thành lập hệ thống cấp phép liên bang yêu cầu chủ sở hữu súng phải đăng ký loại vũ khí mà họ mua.

Cựu Bộ trưởng Nhà ở Julian Castro ủng hộ lệnh cấm vũ khí tấn công và yêu cầu người mua súng phải có giấy phép.

Doanh nhân Andrew Yang ủng hộ các biện pháp kiểm soát súng toàn diện, trong đó có lệnh cấm vũ khí tấn công.

Mời độc giả xem thêm video: Ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ (Nguồn: VTC1)

Thiên An (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/ung-vien-tong-thong-my-hien-ke-dap-tat-bao-luc-sung-dan-1275749.html