Ứng xử, bảo vệ đúng cách với bảo vật quốc gia

Ngày 24-12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 7, năm 2018) với 22 hiện vật, nhóm hiện vật. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến: kim sách 'Đế hệ thi' (Bảo tàng Lịch sử quốc gia), trống đồng Pha Long (Bảo tàng tỉnh Lào Cai), tượng Phật quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (chùa Mễ Sở, tỉnh Hưng Yên), đài thờ Đồng Dương (Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP Đà Nẵng), hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử (Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh), bia 'Sùng Thiên tự bi' (chùa Dâu, tỉnh Hải Dương), ấn Tuần phủ Đô tướng quân (Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình), tượng thần Shiva chùa Linh Sơn (tỉnh Bình Định)... Như vậy đến nay, trên cả nước đã có 164 hiện vật, nhóm hiện vật được Chính phủ xác định là bảo vật quốc gia.

Bia Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Long Đọi Sơn, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Điện Biên/Báo Hà Nam

Là tài sản vô giá không những có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, khoa học, các bảo vật quốc gia còn có ý nghĩa về chính trị, kinh tế,… cho nên rất cần được trân trọng, gìn giữ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vấn đề ứng xử với các bảo vật quốc gia tồn tại một số bất cập, nhất là tình trạng can thiệp thô bạo với không ít hiện vật khiến dư luận thật sự lo ngại. Như năm 2014, bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý, một trong số các bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại chùa Long Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam) bị xâm phạm ngay trước lễ công nhận. Chỉ vì nóng vội, thiếu hiểu biết, Ban quản lý di tích đã thuê một tốp thợ “tân trang” bia bằng cách dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt,... để tấm bia sạch sẽ và sáng bóng. Kết quả là những nét cổ kính rêu phong của tấm bia cổ bị xóa sạch, không thể phục hồi. Đây chỉ là một trong các thí dụ cho thấy nhiều di sản đang được bảo vệ không đúng cách, thậm chí bị xâm hại.

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng khiến dư luận quan tâm là tình trạng các bảo vật đã được công nhận nhưng ít người biết đến. Hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là: Thứ nhất, do việc lưu giữ bảo vật quá cẩn thận (cất kỹ trong bảo tàng hoặc kho lưu trữ) khiến người dân khó tiếp cận. Thứ hai, do trưng bày cẩu thả, sơ sài, thiếu thông tin giới thiệu một cách cơ bản, đầy đủ, khiến khách tham quan dù đứng trước bảo vật quốc gia mà không hay biết. Thậm chí, có trường hợp như vạc đồng Cẩm Thủy thời Lê Trung Hưng, sau khi được công nhận bảo vật quốc gia đã chịu số phận nằm lăn lóc một góc hành lang của bảo tàng; hoặc sự việc hai trong số ba khẩu thần công của triều Nguyễn do ngư dân Hà Tĩnh phát hiện trong một con tàu đã bị chìm dưới đáy biển, sau khi giao nộp chính quyền địa phương thì bị xếp trên đế gỗ tạm bợ ngoài hành lang, gần ngay khu vực nhà vệ sinh.

Khoản 3, Điều 41, Luật Di sản văn hóa năm 2013 quy định: “Bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt”, vì thế nơi được giao trọng trách lưu giữ bảo vật cần phải xác định thái độ trân trọng, bảo vệ đúng cách. Muốn vậy, rất cần có sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc phối hợp đồng bộ, hiệu quả, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu được chiêm ngưỡng, tìm hiểu của đông đảo nhân dân, cần tổ chức, sắp xếp việc trưng bày bảo vật quốc gia thật khoa học và tổ chức các buổi trưng bày theo chuyên đề để tạo sức hấp dẫn. Bên cạnh đó cần chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu, xuất bản các ấn phẩm chuyển tải thông tin, hình ảnh liên quan đến bảo vật. Đây sẽ là các tài liệu hữu ích và cần thiết trong tôn vinh, quảng bá văn hóa, lịch sử cũng như các giá trị tốt đẹp của dân tộc với du khách trong nước và quốc tế; đồng thời là một yếu tố quan trọng góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/38749302-ung-xu-bao-ve-dung-cach-voi-bao-vat-quoc-gia.html