Ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội

Đi lễ hội đền, chùa để cầu an, cầu may mắn, tài lộc thế nhưng một số người lại mang tâm thế thô tục và thực dụng vào chốn linh thiêng. Từ việc ăn mặc phản cảm, nói năng thiếu văn hóa, ăn uống xả rác mất vệ sinh tới trục lợi tâm linh, hối lộ thần thánh, giành giật đồ cúng, tranh cướp lộc. Sự thiếu ý thức và lỗ hổng văn hóa ứng xử đã làm cho lễ hội bị suy thoái, không khác nơi kẻ chợ…

Cảnh tranh cướp chiếu ở lễ hội Đúc Bụt - Vĩnh Phúc. Ảnh: Thế Đại.

Cảnh tranh cướp chiếu ở lễ hội Đúc Bụt - Vĩnh Phúc. Ảnh: Thế Đại.

Làm xấu lễ hội

Nghị định 110 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2018 đã tạo hành lang pháp lý góp phần điều chỉnh toàn diện những vấn đề liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Văn bản quy phạm pháp luật này đã đưa ra những quy định nhằm điều chỉnh ý thức và trách nhiệm của người tham gia lễ hội. Văn bản đã có nhưng việc chuyển hóa những chuẩn mực đó vào cuộc sống không dễ dàng. Mùa lễ hội năm nay vẫn chưa dứt những hành vi phản cảm.

Nhà thơ Lưu Hồng Vân chia sẻ: Tôi thấy không ít người đem theo con người thế tục của mình vào lễ hội, ngay từ cung cách ăn mặc, nói năng giao tiếp thiếu chỉn chu cho đến những chiêu trò lợi dụng tâm linh kiếm tiền, buôn thần, bán thánh.

Đi lễ hội, đền chùa dễ dàng bắt gặp dịch vụ khấn lễ thuê, cúng thuê, đội lễ thuê, chen băng băng giữa biển người đông nghịt quả là đáng sợ. Chuyện chiếm đoạt đồ lễ không phải là chuyện hiếm gặp.

Đến lễ hội hoa thì trai thanh gái tú lại sẵn sàng dẫm đạp, bẻ trụi cây cỏ, hoa lá đang tươi xuân mơn mởn… chỉ để có một bức hình selfie đẹp mắt. Chủ thể tham gia lễ hội đã khiến cho nơi thiêng liêng nhất trở nên xô bồ, ồn ã như vậy thì văn hóa tâm linh còn đâu giá trị trọn vẹn?

Hội Trò Trám (Phú Thọ) chưa dứt dư âm bởi cư dân mạng đang hào hứng phát tán những clip và những tấm ảnh selfie. Nghi thức trong lễ mật cho hai sinh thực khí chạm vào nhau theo ý nghĩa tâm linh phải thực hiện trong đêm tối, nhưng những người được trực tiếp tham gia đã bất chấp quy tắc, đua nhau bật đèn flash chụp ảnh, quay phim.

Ngay sau đó những cảnh quay, những hình ảnh tạo dáng chụp ảnh với sinh thực khí được đăng tải phát tán đã biến lễ hội thành trò lố.

Trước mùa lễ hội, BTC luôn phải đau đầu tìm giải pháp để hạn chế tình trạng cướp lộc ở chùa Hương, trên ban thờ Thánh ở đền Trần (Nam Định), cướp bông ở lễ hội Giằng Bông (Hoài Đức, Hà Nội).

Dù đã đổi mới trong khâu tổ chức và cam kết tổ chức lễ hội an toàn, lành mạnh nhưng ngay ngày đầu tiên lễ hội diễn ra, BTC hội Phết Hiền Quan đã phải tuyên bố dừng trò cướp phết bởi hình ảnh phản cảm do không kiểm soát nổi.

Trang phục không phù hợp ở chốn thâm nghiêm

Thay đổi từ nhận thức

Lễ hội do con người từ hiện thực cuộc sống sáng tạo, tôn vinh thành những giá trị tâm linh và thiêng liêng. Những nghi lễ, thủ tục, phương cách hành lễ rất đẹp như rước kiệu thánh, dâng trà, tửu, cỗ, vật tế đã thành chuẩn mực mang nhiều ý nghĩa và giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh. Thế nhưng, trong những biến động của một xã hội đang phát triển, do lệch lạc trong nhận thức và sự phàm tục, thương mại hóa trong hành xử mà con người cũng làm ra mặt trái của lễ hội.

TS Nguyễn Thị Thanh Mai - giảng viên Trường ĐH Văn hóa Hà Nội nhìn nhận: Tín ngưỡng là quyền tự do của con người song mỗi người cần hiểu và có thái độ đúng đắn, trong sáng trước các yếu tố tâm linh. Mỗi người đến lễ hội với một mục đích khác nhau nhưng điều quan trọng nhất là hướng được số đông ấy vào mục đích tốt đẹp. Tôi cho rằng vấn đề then chốt nhất là giáo dục nhận thức đúng đắn cho mọi người.

Ngay từ khi còn là đứa trẻ, các em học sinh, sinh viên cần được trang bị kiến thức để nhận thức đúng về các di tích lịch sử, về những giá trị của lễ hội, về văn hóa dân gian. Các em biết thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng.

Khi trở thành công dân, mỗi người sẽ biết thay đổi hành vi cho phù hợp và tôn trọng quy tắc ứng xử trong các hoạt động văn hóa.

Từ những trải nghiệm thực tế và qua công việc nghiên cứu văn hóa, TS Thanh Mai cho rằng, nếu lãnh đạo địa phương nơi có di tích thờ tự và lễ hội có tầm hiểu biết, coi trọng bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân tộc thì công tác tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh sẽ có hiệu quả.

“Tôi thấy nhiều địa phương có lễ hội và di tích lịch sử văn hóa đã đặt biển chỉ dẫn, có bảng nội quy quy định rõ ràng về văn hóa ứng xử nơi chùa chiền. Hướng dẫn người dân tham gia lễ hội thực hiện nếp sống văn minh, cách ứng xử với lễ hội, di tích, cách đặt tiền giọt dầu… Những giải pháp cần thiết, quyết liệt đó sẽ tác động, góp phần thực hiện nếp sống văn minh, hợp với thuần phong mỹ tục và dần dần xóa bỏ những hành vi phản cảm trong lễ hội”, TS Thanh Mai khẳng định.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ung-xu-van-hoa-khi-tham-gia-le-hoi-3985356-b.html