Ứng xử văn hóa trong nghệ thuật: Giá trị chuẩn mực bị xem nhẹ

Trong muôn mặt của đời sống, ứng xử văn hóa trong nghệ thuật nhiều năm trở lại đây như một bức tranh sinh động nhiều màu sắc, nhưng cũng không ít những ì xèo thị phi.

Với mỹ thuật, hiện tượng chép tranh vẫn diễn ra công khai mặc dù nhiều họa sĩ đã lên tiếng kêu cứu. Với âm nhạc, nhiều ca khúc dành cho giới trẻ dùng ngôn từ gây sốc để câu kéo, gây tò mò cho người nghe hay việc đạo nhạc vẫn diễn ra từ âm ỉ đến bùng nổ.

Sử dụng quá đà cảnh hở hang, mát mẻ để thu hút thị hiếu tầm thường, dung tục trong phim ảnh, truyền hình. Ứng xử văn hóa trong nghệ thuật là một bài toán khó cho đến nay vẫn chưa có lời giải!

Tác phẩm “Biển chết” của họa sĩ Nguyễn Nhân bị thu hồi giải thưởng và bức ảnh chụp trước đó.

Mỹ thuật, hiện tượng đạo và chép vẫn ngang nhiên

Hai thị trường tranh lớn nhất của cả nước nằm ở hai thành phố lớn là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngay từ cuối thập niên 90 của thế kỉ trước, giới hội họa được dịp ăn nên làm ra vì người ta đổ xô đi mua tranh về để trưng bày và không ít những tác phẩm nghệ thuật có giá trị được xuất khẩu ra nước ngoài.

Chính trong thời kì này đã nổi lên không ít tên tuổi sáng giá trong làng hội họạ đương đại Việt Nam như Thành Chương, Phạm Luận, Lê Thiết Cương, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong, Đặng Phương Việt…

Nhưng có lẽ may cũng đi kèm với rủi, không ít họa sĩ tài hoa này bị những kẻ trộm, đạo ý tưởng đến sao chép nguyên bản hay còn gọi một cái tên nữa là “chép tranh”.

Cũng không ít những tác phẩm hội họa kiệt tác thế giới như “Nàng Mona Lisa” của Leonardo Da Vinci, một số tranh của các họa sĩ trứ danh như Van Gogh, Picasso, Salvador Dali… đến tác phẩm của các họa sĩ danh tiếng Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên… đều bị sao chép trắng trợn. Nghề chép tranh ra đời và nhiều người giàu lên từ hành vi mà ở các quốc gia có nền văn hóa phát triển được coi là vi phạm bản quyền nghiêm trọng này. Ở Việt Nam, nhiều họa sĩ bức xúc lên tiếng nhưng rồi chuyện đâu lại vào đó.

Nếu như một bức tranh thật có giá từ hàng nghìn đô đến triệu đô, thì tranh chép chỉ có giá dao động khoảng năm trăm ngàn đồng đến ba triệu đồng. Cũng tùy vào việc sao chép bức tranh đó có kích cỡ và dễ khó đến mức nào. Nếu như ở thành phố Hồ Chí Minh, khu phố Tây, phố Trần Phú, việc kinh doanh tranh chép trở thành hoạt động sầm uất, thì ngay tại trung tâm của thủ đô, khu 36 phố phường Hà Nội, phố Hàng Trống, Hàng Khay, Nhà Thờ, Hàng Bông, Nguyễn Thái Học là những nơi tập trung sinh viên của trường mỹ thuật và những họa sĩ nghiệp dư làm nghề chép tranh để kiếm sống.

Nói về vấn đề đang tồn tại nhức nhối này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng lên tiếng: “Người chơi tranh cũng không mua tranh theo sở thích và quan niệm thẩm mỹ của mình. Họ thấy thích trưng bày tranh của những họa sĩ có tên tuổi và càng nổi tiếng thì càng tốt. Họ chỉ cần mua một bức tranh na ná với tranh thật thì coi là thỏa mãn nên vô hình tạo điều kiện có công ăn việc làm cho nhóm người chép tranh phát triển. Còn tranh của những họa sĩ trẻ dù được đào tạo bài bản, vẽ rất kì công và mang tính thẩm mỹ cao lại không hề được ngó ngàng đến”.

Lỗi ứng xử chộp giật trong hội họa không chỉ có ở những nhà kinh doanh tại các phòng trưng bày triển lãm tranh tìm kiếm lợi nhuận lao vào mà đâu đó hàng năm trong giới mỹ thuật vẫn xảy ra những hiện tượng tồi tệ: họa sĩ chuyên nghiệp sao chép, đánh cắp ý tưởng, ăn cắp bản quyền của ngay cả đồng nghiệp của mình. Đó là câu chuyện họa sĩ Nguyễn Đình Đăng không hài lòng khi tác phẩm “Khỏa thân” của ông đã vẽ cách đây 15 năm lại bị một thạc sĩ mỹ thuật hiện đang giảng dạy ở một trường đại học mang ra để sao chép với tên của bức tranh là “Câu chuyện trăm trứng”.

Phố tranh Hà Thành.

Năm 2016, tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, bức tranh “Chân dung cô Kim Anh” của họa sĩ Thành Chương đã bị người ta làm giả một bức tranh khác và kí tên cũng được chứng minh là mạo danh một tác giả cũng vào loại nổi tiếng người Việt ở nước ngoài. Họa sĩ đã tận mắt chứng kiến và một hội đồng cũng đã được thành lập để kết luận nạn tranh giả đang ăn sâu bào mòn đời sống mỹ thuật hội họa nước nhà.

Họa sĩ Phạm Luận than: “Trước đây người nước ngoài đến Việt Nam mua tranh của các họa sĩ nổi tiếng ở các phòng tranh nhưng do nạn làm tranh giả, tranh chép, khách nước ngoài đã rất e ngại và họ dừng lại không muốn hợp tác nữa”. Hay cách đây một năm, Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh đã phải thu hồi giải thưởng và tác phẩm “Biển chết” của họa sĩ Nguyễn Nhân do vi phạm bản quyền và đạo ý tưởng của tác phẩm ảnh đã được đăng báo trước đó.

Thu hồi giải thưởng vì vi phạm bản quyền không còn là câu chuyện hi hữu, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Chép tranh sẽ không bị cấm nếu người chép tranh có thỏa thuận với tác giả của bức tranh bản gốc. Theo luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm còn 50 năm bảo hộ tính từ sau khi tác giả qua đời và được phép sao chép thì vẫn được phép. Còn nếu anh chép mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu là vi phạm bản quyền.

Một bức tranh nếu khẳng định là sao chép vi phạm bản quyền mức phạt có thể lên tới 50-70 triệu đồng nhưng từ trước đến nay rất nhiều vụ vi phạm bản quyền tác giả đã xảy ra công khai và dư luận kịch liệt lên tiếng nhưng rốt cuộc vẫn chưa xử lí được vụ nào phải bồi thường”.

Âm nhạc: Từ vi phạm bản quyền đến ầm ĩ việc ngôn từ bát nháo

Vào những ngày đầu tháng 10 vừa qua, chàng ca sĩ trẻ được mệnh danh là hotboy của làng nhạc Việt, một tên tuổi được cho là sở hữu một lượng fan hùng hậu - Noo Phước Thịnh đã bị vướng vào vụ kiện tai tiếng không lấy gì là hay ho. Trung tuần tháng 11 năm 2017, MV ca khúc “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của Noo đạt 30 triệu lượt xem sau đó đã bị biến mất khỏi YouTube vì lí do bản quyền.

Vụ kiện kéo dài đến tháng 10 năm nay, Rapper Zack Hemsey người Mỹ yêu cầu Noo Phước Thịnh chấm dứt ngay và xóa vĩnh viễn MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” có sử dụng tác phẩm, bản ghi âm “The Way” khỏi tất cả các phương tiện lưu trữ, các trang internet, bất cứ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận, bồi thường thiệt hại về vật chất 500 triệu đồng, bồi thường thiệt hại về tinh thần 50 triệu đồng, thanh toán chi phí thuê luật sư 300 triệu đồng.

Tổng cộng số tiền mà Noo Phước Thịnh bị yêu cầu phải bồi thường là 850 triệu đồng. Đây là một số tiền khá lớn mà trước đó chưa từng có ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam nào bị kiện bồi thường về vi phạm bản quyền số lớn đến vậy. Ngoài ra, nhạc sĩ Zack Hemsey đề nghị ca sĩ chủ nhân của “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” công khai xin lỗi nhạc sĩ này trên một trang báo mạng có số lượng người đọc lớn và trên trang báo giấy uy tín về hành vi vi phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan.

Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đang thụ lí vụ kiện tụng dai dẳng này. Bản thân chàng ca sĩ trẻ cũng thừa nhận: “Scandal kiện tụng khiến tôi mệt mỏi, suy sụp”.

Bên cạnh những thị phi do bản quyền này, thị trường âm nhạc lại ồn ào trước hiện tượng một số nhạc sĩ trẻ “chơi ngông” khi sáng tác những ca khúc có từ ngữ phản cảm như Khắc Hưng với “Như lời đồn” hay trước đây là “Như cái lò”. “Thu dẩm” của rapper LK hay “Xếp hình” của Tăng Nhật Tuệ. Việc ca sĩ Bảo Anh sexy trong MV “Như lời đồn” đã bị nhiều khán giả la ó. Phản ứng trước những cái tên ca khúc có phần quá khích này, nhiều nhạc sĩ và các nhà lí luận phê bình âm nhạc đã lên tiếng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã chia sẻ suy nghĩ của mình lên trang facebook cá nhân: “ Tôi là người theo chủ nghĩa duy mỹ trong nghệ thuật. Đối với tôi, một bài hát phải đẹp từ giai điệu, đẹp đến ca từ, đến nội dung ý nghĩa, đến cả cái tên, đó mới là sự hoàn mỹ. Và người sáng tác là người điêu khắc nên cái đẹp đó. Trách nhiệm của người sáng tác là miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, gìn giữ cái đẹp. Để làm gì ?

Để hướng tâm hồn của chính mình và của mọi người đến với những điều tích cực trong cuộc sống! Từ cảm xúc đẹp sẽ dẫn đến suy nghĩ đẹp, rồi dẫn đến hành vi đẹp và lối sống đẹp. Đó là tôn chỉ rõ ràng của tôi khi sáng tác, khi làm nghề! Vì vậy tôi đánh giá rất thấp những người đã mang trên vai tấm áo “nghệ sĩ” mà cứ muốn thể hiện cái ngông, cái thô, cái tục trong những tác phẩm của mình…”.

Quả thực, người nghệ sĩ sáng tạo và có cái riêng trong nghệ thuật là cần thiết nhưng đừng nên lấy cái “tôi” to đùng rồi tự cho phép mình muốn làm gì thì làm, muốn nói sao thì nói, vì nghệ thuật xét cho cùng là phục vụ đại chúng vươn tới cái đep chứ không phải là sự ô trọc, dung tục, tầm thường, gây sốc.

Những cảnh nóng trên màn ảnh Việt: Vô tình hay cố ý ?

Không thể phủ nhận những năm gần đây, phim Việt được người Việt chấp nhận và thích thú với những sêri phim truyền hình được cho là rất hot như: “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, và mới đây là “Quỳnh búp bê”.

Những bộ phim này được đầu tư kĩ lưỡng về kịch bản, dàn diễn viên hùng hậu trên phim trường khiến người ta thấy le lói ánh sáng cho lối thoát phim Việt. Tuy nhiên, không thể không nói đến những hạt sạn trong phim mà khán giả dễ dàng nhận ra, đó là những cảnh hở hang, buông tuồng quá mức.

Cảnh nóng phản cảm trên phim.

Cảnh sex sẽ đẹp nếu như trong diễn biến tâm lí nhân vật, phù hợp trong hoàn cảnh kịch tính của bộ phim. Cảnh sex sẽ trở nên phản cảm dung tục nếu thừa thãi, có thêm vào chỉ với mục đích câu kéo, gây tò mò, kích thích thị giác, chiều theo thị hiếu tầm thường. Tuy không đến mức bị cho là phản cảm ở những cảnh được cho là nhạy cảm của cả ba bộ phim: “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Quỳnh búp bê” nhưng cũng khiến khán giả thấy nóng mắt.

Trước đấy, cảnh nóng của bộ phim truyền hình “Hoa nắng” khiến dư luận lên tiếng phản đối gay gắt. Đó là cảnh Linh cô gái trẻ cùng bạn trai Phúc đến quán ăn. Linh mặc váy quây trễ nải, để lộ lấp ló vòng một. Cô vô tình làm đổ rượu xuống ngực. Linh nhờ bạn trai lấy giấy lau hộ. Phúc nói có cách khác nhanh hơn, sau đó cậu này ghé sát mặt ôm ghì bạn gái rồi dùng lưỡi liếm vùng quanh ngực của Linh.

Được bạn bè cổ vũ, Linh cố tình làm đổ rượu cho ướt luôn vòng một để bạn trai liếm thêm lần nữa. Hai người ngang nhiên thực hiện hành vi kì quái trước các bạn trẻ khác lấy máy quay ra quay lại. Khán giả thấy kinh hãi về cảnh quay này, và nhiều người cho đó là không thể chấp nhận được, dung tục, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. Đây thực sự là cảnh quay táo bạọ, đổi mới, liều lĩnh của phim truyền hình hay chỉ là trò câu kéo nhí nhố và của người muốn câu like?

Nghệ thuật luôn phân định ranh giới, dù có muốn đổi mới, nâng tầm thì trước hết tác phẩm nghệ thuật đó phải làm vì mục đích trong sáng không vụ lợi. Ứng xử văn hóa trong nghệ thuật là hành vi đẹp, hướng thiện nhưng cũng là vùng đất khó, không phải ai dễ gì cũng có thể đặt chân đến.

Trần Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/ung-xu-van-hoa-trong-nghe-thuat-gia-tri-chuan-muc-bi-xem-nhe-518681/