Ứng xử với khách Tây, làm sao họ nhớ đến mà quay lại

Chánh thanh tra Sở Du lịch Hà Nội Vũ Công Huy bày tỏ, người dân Hà Nội cũng là người đi du lịch phải hiểu và thấy rằng, đón tiếp khách du lịch phải bằng lòng tự trọng, sự nhiệt tình, mến khách để họ nhớ đến và quay lại lần sau

.

Liên quan vụ du khách Tây bị trả tiền âm phủ, chương trình Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet đã có buổi phỏng vấn nhanh ông ông Vũ Công Huy, Chánh thanh tra Sở Du lịch Hà Nội liên quan vụ việc gây xôn xao dư luận trên.

XEM VIDEO TALKSHOW TẠI LINK SAU:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Huy, cho tới thời điểm này, tức là sau 3 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra, phía Sở đã nắm bắt thông tin xử lý ra sao?

Ông Vũ Công Huy: Sau khi nhận được các thông tin phản ánh, Sở đã có văn bản đề nghị công an thành phố, công an các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, kiểm tra, xác minh thông tin nêu trên.

Đến chiều hôm qua, được sự chỉ đạo của Giám đốc Sở giao Thanh tra Sở thường trưc phối hợp với công an quận Hoàn Kiếm, công an quận Hoàn Kiếm đã mời, trao đổi với Thanh tra Sở cử cán bộ cùng công an quận Hoàn Kiếm tiếp xúc trực tiếp với hai khách du lịch, sau quá trình họ du lịch Sa Pa về.

Nội dung của cuộc trao đổi trực tiếp giữa hai khách với công an quận Hoàn Kiếm cho thấy, đây là hai khách du lịch người Tây Ban Nha, không phải người Pháp như trên mạng xã hội đã đăng. Tờ tiền giả đó không phải do người lái xích lô đưa cho hai khách du lịch.

Nhà báo Phạm Huyền:Vâng, cụ thể hơn theo thông tin của ông được biết thì tờ tiền giả đó xuất phát từ đâu ạ?

Ông Vũ Công Huy: Trong cuộc trao đổi đó, hai khách du lịch đã trình bày với công an quận Hoàn Kiếm khá đầy đủ về lộ trình của họ. Theo như trình bày, ngày 15/7, họ đáp chuyến bay xuống sân bay Nội Bài để du lịch Việt Nam. Sau đó họ lưu trú ở homestay khu vực Ngọc Thụy, (Gia Lâm).

Đến ngày 16/7, hai du khách đi taxi từ Ngọc Thụy, (Gia Lâm) sang Hàng Điếu, (Hoàn Kiếm) với mục đích thăm quan phố cổ. Tại khu vực Hàng Điếu, họ có nhận được lời mời của anh xích lô để chở theo hành trình. Quá trình đi xích lô, họ đi qua Hàng Da, Hàng Bông và dừng lại ở Hàng Bông để mua một chiếc mũ với giá 60.000 đồng, có sự chứng kiến của anh lái xích lô. Họ đã trả tờ 500 nghìn đồng và được người bán hàng trả lại 440 nghìn đồng. Người du khách còn lấy 100 nghìn đồng tặng thêm cô bán hàng.

Tiếp tục hành trình xích lô, họ về đến Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Kết thúc hành trình, hai du khách đưa tiền trả cho xích lô thì anh xích lô có lấy 3 tờ tiến mệnh giá 500 nghìn đồng. Sau đó, họ chào anh xích lô và rời đi.

Hai du khách vào cửa hàng ăn nhanh tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để ăn. Khoảng 19 giờ, hai du khách có ra cửa của cửa hàng ăn nhanh ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đó để bắt taxi quay trở về cơ sở lưu trú bên Ngọc Thụy, Gia Lâm.

Đến bên đó, họ cũng rút ra tờ tiền 500.000 để trả tiền taxi. Lái xe taxi trong lúc đó cũng có trả lại tiền thừa và đưa lại cho du khách. Du khách cũng không rõ rằng trả lại bao nhiêu và những loại tiền nào, du khách đã cất tiền vào túi luôn.

Sáng hôm sau, ngày 17/7, hai du khách tiếp tục gọi taxi từ Ngọc Thụy, (Gia Lâm) sang Hàng Thùng mua vé đi du lịch ở Sa Pa. Đi taxi từ Gia Lâm sang Hàng Thùng, họ xuống xe trả tiền. Khi họ rút tiền ra, lái xe taxi thấy tiền âm phủ không có giá trị. Ngay lúc đó, một số người đứng đó quay lại clip. Đó là toàn bộ tường trình hành trình của hai người khách Tây Ban Nha.

Ông Vũ Công Huy, Chánh thanh tra Sở Du lịch Hà Nội

Nhà báo Phạm Huyền:Vâng, xin ông có thể cho biết, liên quan đến chi tiết người tài xế xích lô tên là Chinh trong bức ảnh đã được đăng trong clip, hai du khách người Tây Ban Nha khẳng định tiền đó không phải do tài xế đó trả đúng không?

Ông Vũ Công Huy: Hiện tại, hai du khách đã khẳng định như thế. Họ cũng nói rất rõ, trong quá trình trả tiền xích lô, anh xích lô lấy tiền, chào và đi chứ không có một trao đổi gì về việc trả lại tiền hay mặc cả.

Nhà báo Phạm Huyền: Bản thân du khách cũng không kiểm soát được việc mình đã trả được tiền là tiền thật hay tiền giả. Ông có lo ngại như thế nào về hiện tượng như vậy đã xuất hiện tại khu vực Hà Nội không?

Ông Vũ Công Huy: Đây cũng là một trong những trường hợp cá biệt. Thứ hai, những nội dung vụ việc lần này, chúng tôi rất mong chờ kết quả kiểm tra xác minh của phía công an. Khi có kết quả xác minh, rõ ràng, chúng tôi sẽ có những báo cáo, để xuất, đưa ra những biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Nhà báo Phạm Huyền: Trước đây chúng ta nhìn thấy tại khu vực Hồ Gươm cũng có những hành vi khá là xấu xí khi người dân ứng xử với du khách, đặc biệt là những người bán hàng chặt chém hay chèo kéo khách. Cho đến thời điểm này, ông nhìn nhận tình trạng như vậy đã có chuyển biến ra sao?

Ông Vũ Công Huy: Trước kia cũng đã có hiện tượng xảy ra. Quá trình đó, khi có những hiện tượng tiêu cực xảy ra với khách, Sở đã chủ trì những cuộc họp liên ngành với công an, các sở, ngành, đặc biêt với một số UBND quận trung tâm và đều đưa ra những biện pháp, phương án giải quyết.

Trong năm 2017, phía công an thông tin đã xử lý nhiều trường hợp, từ những trường hợp như đánh giày, chèo kéo, bán hàng rong.

Theo thông tin tôi còn nhớ, công an quận Hoàn Kiếm có thông tin, trong thời điểm đó xử lý tới 30 trường hợp.

Người dân đón tiếp khách du lịch bằng lòng mến mộ thì họ mới nhớ mà quay trở lại

Nhà báo Phạm Huyền: Nhưng làm thế nào để có thể khơi gợi, khuyến khích được sự tự giác của những người dân đang buôn bán, kinh doanh các dịch vụ ở khu vực Hồ Gươm, vì chúng ta không thể làm những việc giống như “bắt cóc bỏ đĩa” được, cứ khi nào sự việc xảy ra thì lực lượng chức năng phải tập trung can thiệp.

Theo ông, chúng ta cần phải có hình thức nào để có thể khuyến khích việc này?

Ông Vũ Công Huy: Nói về du lịch, trước mắt là người dân với người dân thôi. Vì người đi du lịch là người dân và người tiếp khách du lịch cũng là những người dân.

Tôi nghĩ rằng đầu tiên, phải nâng cao ý thức của người dân, từ người dân đi du lịch cũng như người dân đón tiếp khách du lịch phải bằng lòng tự trọng, sự nhiệt tình, mến khách. Từ đó, xây dựng ý thức lan truyền lòng mến khách và có những ứng xử đúng với quy định pháp luật.

Sau đó, phải thể hiện được lòng mến mộ để thu hút khách du lịch, làm sao họ nhớ đến và họ quay lại lần sau.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy về lâu dài thì Thanh tra Sở cũng như Sở Du lịch Hà Nội có biện pháp như thế nào để chấm dứt triệt để tình trạng như vậy?

Ông Vũ Công Huy: Thứ nhất, tôi nghĩ không phải chỉ Sở mà cả cộng đồng, cả các cơ quan chính quyền trung ương đến địa phương đều vào cuộc.

Đã có những Nghị quyết, đã đưa ra những hoạch định và đưa ra những đường lối chính sách rất đúng đắn để phát triển du lịch. Chính quyền địa phương thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng có những văn bản, ví dụ quy tắc ứng xử cả trong hoạt động du lịch lẫn quy tắc ứng xử cả trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều đó toát lên sự quan tâm, thúc đẩy vào ý thức con người, cả với việc giao tiếp với nhau trong cuộc sống cũng như với khách du lịch nội địa, cũng như với khách du lịch quốc tế.

Ngoài ra, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Sở thì Sở thường xuyên có văn bản gửi đến cộng động người làm du lịch nhắc nhở từ việc ứng xử, chấp hành pháp luật về hoạt động kinh doanh du lịch.

Tình trạng kinh doanh du lịch trước đây đến năm 2018, rất hiếm hoi đối với cuộc điện thoại gọi đến để phải ánh về taxi dù hoặc những hiện tượng như vừa xảy ra.

Nhà báo Phạm Huyền:Vâng, cám ơn ông đã có những chia sẻ phản hồi hết sức thẳng thắn.

Xem thêm ý kiến của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch:

Thực hiện: Phạm Huyền - Hạnh Thúy

Video: Huy Phúc, Xuân Quý, Đức Yên

Đồ họa: Diễm Anh

Email:

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin-thang/nguoi-dan-don-tiep-khach-du-lich-phai-bang-long-tu-trong-464348.html