UNICEF, WHO: Một trên bốn cơ sở y tế thiếu công trình nước sạch cơ bản

Báo cáo mới đây của Chương trình Giám sát nguồn nước, vệ sinh và môi trường của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, trên thế giới, cứ bốn cơ sở y tế thì có một cơ sở thiếu những công trình nước sạch cơ bản.

Ảnh minh họa: WHO.

Ảnh minh họa: WHO.

Báo cáo của Chương trình Giám sát nguồn nước, vệ sinh và môi trường của WHO và UNICEF (viết tắt là Chương trình JMP) mang tên “Nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế”.

Đây là một đánh giá toàn cầu toàn diện đầu tiên về tình trạng nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế.

Đánh giá này chỉ ra rằng, cứ năm cơ sở y tế thì một cơ sở không có công trình vệ sinh, có nghĩa là nhà vệ sinh của các cơ sở y tế không được cải thiện hoặc không có nhà vệ sinh. Điều này làm ảnh hưởng đến 1,5 tỷ người trên thế giới.

Báo cáo cũng cho thấy, nhiều cơ sở y tế còn thiếu những công trình cơ bản để rửa tay, cũng như phân loại riêng và tiêu hủy rác thải y tế.

Theo báo cáo này, Việt Nam đang thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và xử lý tiêu hủy rác thải y tế. Số liệu trong báo cáo cho thấy, 96% các cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường cải thiện và 70% có xử lý rác thải an toàn. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng gần một nửa các cơ sở y tế ở Việt Nam còn thiếu các công trình nước sạch cơ bản.

Những công trình này đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc phòng ngừa lây nhiễm, giảm tình trạng kháng thuốc và mang lại dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng, đặc biệt là cho việc sinh nở an toàn.

Báo cáo của chương trình JMP chỉ ra rằng, chỉ một nửa, 55%, các cơ sở y tế ở các quốc gia kém phát triển nhất có các công trình nước sạch cơ bản. Ước tính, trên thế giới, một trong năm ca sinh xảy ra ở các quốc gia kém phát triển nhất. Và mỗi năm, ước tính có 17 triệu phụ nữ ở các quốc gia này sinh nở tại các cơ sở y tế không có đủ nước sạch, điều kiện vệ sinh và môi trường không bảo đảm.

“Khi một đứa trẻ được sinh ra tại một cơ sở y tế không có đủ nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường nghèo nàn, nguy cơ lây nhiễm và tử vong đối với cả bà mẹ và trẻ sơ sinh rất cao,” Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore nhận định. “Mỗi đứa trẻ sinh ra đời cần phải được hỗ trợ bởi những bàn tay an toàn, được rửa sạch với xà phòng và nước sạch, sử dụng các trang thiết bị tiệt trùng, trong một môi trường sạch sẽ.”

Trong một báo cáo đi kèm với tên gọi “Nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế: Các bước thiết thực để đạt được tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân có chất lượng”, các nhà nghiên cứu của WHO và UNICEF nhấn mạnh rằng, hơn một triệu ca tử vong mỗi năm có lý do liên quan đến việc sinh đẻ không bảo đảm vệ sinh. Lây nhiễm khiến cho 26% trẻ sơ sinh và 11% bà mẹ tử vong.

Tại Cuộc họp Đại hội đồng Y tế Thế giới năm 2019 tổ chức vào tháng 5 tới đây, các chính phủ sẽ trao đổi và tranh luận để tìm ra giải pháp cho nước sạch, vệ sinh và môi trường trong các cơ sở y tế. Nội dung này đã được Ban Chấp hành WHO nhất trí thông qua hồi đầu năm 2019.

Báo cáo trên của WHO và UNICEF cũng đề ra chi tiết tám hành động mà các chính phủ cần thực hiện để cải thiện các dịch vụ nước sạch, vệ sinh môi trường trong các cơ sở y tế như xây dựng kế hoạch và mục tiêu quốc gia, cải thiện cơ sở vật chất và công tác duy trì, vận động người dân vào cuộc. Những hành động này, cùng với các dịch vụ, công trình nước sạch, vệ sinh và môi trường được cải thiện, có thể đem lại những lợi ích đầu tư rất lớn như cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, phòng ngừa kháng thuốc, chấm dứt dịch bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc y tế.

Theo UNICEF, trong năm 2017, 7.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày, chủ yếu là vì các lý do có thể phòng ngừa được, hoặc các bệnh có thể chữa trị được như nhiễm trùng. Trong chiến dịch “Mọi trẻ em đều được sống” của mình, UNICEF đang kêu gọi các chính phủ, chính quyền hành động để bảo đảm mọi bà mẹ và trẻ sơ sinh đều được tiếp cận với chăm sóc y tế có chất lượng với giá thành hợp lý.

XUÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/39726102-unicef-who-mot-tren-bon-co-so-y-te-thieu-cong-trinh-nuoc-sach-co-ban.html