Ước mơ của con và ước muốn của cha mẹ

Tôi thường kể cho phụ huynh và cả học sinh về mối duyên tình giữa tôi và ngành sư phạm: Đó là ước muốn của gia đình tôi. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để có thể chấp nhận sự thật này và 'vẽ tiếp ước mơ của ba còn bỏ lỡ'.

Khi nghe xong ai cũng phì cười trong khi ngấn mắt tôi nghẹn ngào. Bởi tôi đã có một thời gian dường như mâu thuẫn rất lớn với gia đình và cả chính mình để có thể đứng trên bục giảng này. Nhưng từ khi trở thành giáo viên chủ nhiệm khối lớp 9 – khối học sinh phải thi tuyển sinh 10 hoặc chọn học nghề, sau câu chuyện của tôi, không ít những ánh mắt trăn trở xuất phát từ phụ huynh. Chắc hẳn họ đang nghĩ rất nhiều về những mâu thuẫn họ đang có với con, với ước mơ của con và mong muốn của chính mình.

Khi chủ nhiệm khối 9, không ít lần tôi phải là người ngồi giữ bất đắc dĩ để giải hòa cho phụ huynh và học sinh trong cách chọn trường, chọn nghề để học. Tôi đã chứng kiến một người cha gương mặt khắc khoải nói với tôi rằng: “Mấy đêm nay tôi không ngủ được cô ạ! Nó bướng lắm. Từ khi mẹ nó bệnh không ai quản nó lại bướng thêm. Nó con gái thì phải cố gắng mà học, mai này nhờ tấm thân. Có đâu giờ nó đòi học nghề, sao mà được…”

Rồi tôi cũng quay sang cô học trò trong mắt tôi rất đáng yêu và đáng thương nữa. Tôi định mở lời nhưng những giọt nước mắt của đứa trẻ đó làm tôi khựng lại. Tôi nhìn thấy mình ở những năm tháng đầu năm thứ nhất của đại học. Vì không phải ngành nghề tôi từng mong muốn nên tôi đã bỏ bê việc học của mình sau những ngày vật vả. Tôi đau xót cho em với những suy nghĩ, lo toan chưa hề dám nói với ba mình. Dằn lòng, tôi hỏi: “Ba con mong muốn thế, suy nghĩ của mình ra sao? Nói cô và ba nghe thử.”

Lúc này con bé nấc nghẹn ngào và nói: “Con muốn đi học nghề vì con thấy mình có thể làm tốt điều đó hơn việc học tiếp phổ thông. Với lại mẹ bệnh, bao nhiêu gánh nặng lên vai ba. Con muốn phụ….” Chưa tròn hết câu của con, người cha đã cắt lời: “Việc đó ba lo được. Con chỉ lo mỗi học là được.” Đứa trẻ như càng thêm quả quyết: “Nhưng con không thể học phổ thông nữa vì trong con nhiều áp lực lắm.” Cuộc tranh luận ấy tràn đầy nước mắt của đứa trẻ và đôi mắt đượm buồn của người cha càng làm bầu không khí càng u buồn. Cuối cùng đứa trẻ ấy và cả phụ huynh đã hài lòng sau gần hai năm học nghề tại một trường thuận tiện, học phí vừa sức. Và hôm nay, tôi luôn nhìn thấy ánh mắt đầy tự tin của cô học trò nhỏ khi giới thiệu sản phẩm của mình trong một bài tập kiểm tra thực tế tại trường em đang học. Tôi nhẹ cả lòng.

Một câu chuyện nữa xảy ra trong năm học 2017 – 2018 vừa qua khiến tôi chạnh lòng mãi. Sau những buổi họp phụ huynh và cả học sinh định hướng chọn trường, chọn nguyện vọng của học sinh vào lớp 10, tôi trao đổi với một em học sinh về phiếu đăng kí của em. Bởi nó có vấn đề lớn xảy ra là khả năng của bản thân em và nguyện vọng hoàn toàn chênh lệch nhau, thậm chí không nói là rất lớn.

Với khả năng của em thì khó có thể đậu vào nguyện vọng cao ấy. Khi được hỏi đến, cậu bé rất buồn và nói với tôi rằng: “Cái đó mẹ con chọn cho con.

Con có giải thích nhưng mẹ bảo là không, cứ đặt thế cho mẹ.” Rồi cậu bé lại nghẹn lời: “Nếu con không đặt thế ba mẹ thất vọng về con mất. Con là anh hai mà.” Sau bao nhiêu lời chia sẻ của đứa trẻ ấy và rất nhiều đứa trẻ khác khi ba mẹ xem con như một bộ trang sức thì một đứa trẻ ngoan là như thế.

Vai trò là giáo viên thôi, tôi không được can thiệp quá nhiều vào nguyện vọng của học sinh. Tôi chỉ có thể động viên em cố gắng lên. Cũng không ít lần tôi lấy hết can đảm để đưa ra lời khuyên cho phụ huynh thì cũng không ít lần tôi nghe đâu đó mấy câu : « Kệ nó đi em, nó có ba mẹ nó lo. », « Cô cứ để thế, nó rớt tôi cho nó nghỉ. Học hành gì mà thi không đậu vô trường đó. » hay « Con nhỏ đó biết cái gì mà tư vấn này nọ.» …

Không ít những câu chuyện tương tự xảy ra với hai kết quả : Một là những đứa trẻ sống cuộc đời mình muốn, mình khao khát sau những cuộc đấu tranh; Hai là những đứa trẻ sẽ sống bằng sự mong muốn của ba mẹ và luôn mâu thuẫn với bản thân mình giống như tôi đã từng trải qua. Những mâu thuẫn đó có thể nhấn chìm những tài năng tiềm ẩn trong mỗi đứa trẻ. Nhất là trong thời đại phát triển mạnh như ngày nay.

Tôi vẫn mong rằng : Ba mẹ đừng ép các con sống cuộc đời của mình đã vẽ, hãy để các con tự vẽ nên cuộc sống riêng. Nhưng điều đó không có nghĩa là ba mẹ phó mặc cho các con muốn làm gì cũng được. Sự thành công của một người dựa trên sự giáo dục của gia đình là tiên quyết. Và không một đứa trẻ nào thành công mà thiếu đi sự động viên, cổ vũ của ba mẹ cả. Hãy là người cha, người mẹ và cũng là người bạn tin cậy của các con !

Theo Tiếng nói Giáo viên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/uoc-mo-cua-con-va-uoc-muon-cua-cha-me-3942325-c.html