Ước mơ vỉa hè

Lề đường là phần nối giữa lòng đường và nhà cửa, công trình, không gian hai bên. Nhiều nơi gọi là vỉa hè. Ở đâu cũng vậy, hễ có đường là có lề, trừ các đường cao tốc. Lề đường dành cho người đi bộ, lòng đường cho xe cộ giao thông.

Ảnh: Thành Hoa

Chuyện xưa như trái đất, mặc nhiên và không có gì để nói. Nhưng ở Việt Nam thì khác. Tốn không biết bao nhiêu giấy mực và nghị quyết; là đề tài của vô số chuyện bàn luận, đàm tiếu từ trong nhà ra ngoài phố.

Thiên hạ chẳng những không thích mà còn rất sợ nhà mặt tiền. Đường cao tốc qua khu dân cư xứ người, chủ đầu tư phải xây tường chắn âm thanh và khói bụi. Qua vùng quê thì nhà tránh càng xa đường càng tốt và thường quay lưng ra ngoài. Trong khi đó, vỉa hè ở Việt Nam là nguồn lợi, không chỉ của các gia đình có nhà mặt tiền mà còn của nhiều cán bộ công quyền. Dù là không gian công cộng, nhưng người ta nghĩ ra đủ cách để “phù phép” biến thành của riêng. Chủ nhà không thể một mình lấn chiếm, mà phải được hợp thức hóa ngầm bởi các quan chức chống lưng hoặc bảo kê bằng “hụi chết” dưới nhiều hình thức.

Không biết tự bao giờ, vỉa hè Việt Nam luôn nóng bỏng thời sự. Có nhà mặt tiền, mặc nhiên có luôn vỉa hè. Là không gian chung nhưng đậu xe phía trước là bị đuổi vì che mất mặt tiền. Xớ rớ đứng hơi lâu trước cửa là được mời đi chỗ khác ngay. Chỉ khi nhà đóng cửa im ỉm thì vỉa hè mới yên ổn với điều kiện không bị người khác xí chỗ buôn bán. Đi khắp thế giới, chẳng nước nào vỉa hè lộn xộn như Việt Nam. Lâu lâu Nhà nước mở “Chiến dịch dọn dẹp vỉa hè”, nghe cứ như thời kháng chiến, sắp ra trận. Dọn dẹp tạm vài bữa, rồi đâu lại vào đấy. Còn hơn “Bắt cóc bỏ dĩa”.

Mấy người đi Đài Loan về bảo “Bên đó không có vỉa hè”. Cách nói này vừa đúng vừa sai. Đúng, nếu vỉa hè được định nghĩa và hiểu như Việt Nam. Sai, vì vỉa hè Đài Loan khác vỉa hè Việt Nam, chẳng những có đầy đủ mà còn thể hiện đẳng cấp. Cách đây hơn 50 năm, khi quy hoạch các thành phố và các đô thị trung tâm, Đài Loan đã có quy chuẩn xây dựng riêng cho vỉa hè theo phong cách của mình. Quy chuẩn bắt buộc tất cả tầng trệt nhà mặt tiền đều phải lùi sâu từ 3-5 mét, tính từ mép đường. Từ tầng 2, nhà được xây ra gần sát mép đường.

Cách làm độc đáo này có nhiều cái lợi. Phần tầng trệt được dùng làm vỉa hè. Khách cứ tha hồ nhẩn nha như trong các siêu thị mà không sợ mưa hay nắng. Thậm chí còn thoáng mát và lộng gió. Tòa nhà được phép nhô ra phần vỉa hè từ tầng 2, làm tăng thêm diện tích xây dựng và sử dụng. Cả người đi đường và chủ nhân nhà mặt tiền đều có lợi mà không phải cơi nới hay làm thêm mái che di động thò thụt. Vệ sinh vỉa hè cũng thuộc trách nhiệm của chủ nhân nhà mặt tiền vì chẳng ai muốn sân trước cửa nhà mình mà không sạch đẹp cả.

Điều ngạc nhiên nhất là không thấy ai lấn chiếm vỉa hè. Vài chỗ có tận dụng thêm diện tích sát cửa nhưng vỉa hè luôn thông thoáng đúng nghĩa. Không phải tự nhiên mà người Đài Loan có ý thức và tự giác được như vậy, mấy chục năm trước, luật pháp Đài Loan đã xử rất nghiêm các trường hợp vi phạm, dần dần hình thành ý thức thượng tôn pháp luật. Ai vi phạm bị xử phạt nghiêm, nhưng đáng sợ hơn là xã hội lên án, cộng đồng phê phán, láng giềng cười chê. Sát mép nhiều đoạn đường còn được kẻ vạch làm chỗ để xe gắn máy. Nơi thì qua đêm, nơi thì ban ngày. Chủ xe phải đóng phí nhất định nhưng không có người giữ xe.

Còn ở một số thành phố lớn của Việt Nam, có vỉa hè rộng hơn chục mét thênh thang nhưng vẫn bị cấm để xe máy. Có vỉa hè chỉ hơn mét lại ken đặc quán xá và xe hai bánh. Chỗ thì máy móc đến khó hiểu, chỗ thì “tự do lấn chiếm”. Mỗi quận làm một kiểu, mỗi phường làm một cách. Mỗi tỉnh thành đều có cách làm riêng. Ngay cả ngoài đảo Lý Sơn xa xôi (Quảng Ngãi), vỉa hè cũng bị lấn chiếm làm chợ chồm hổm.

Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275047/uoc-mo-via-he-.html