Ước nguyện xây cầu của người dân Điện Biên thành hiện thực sau 15 năm

15 năm qua, năm nào người dân Lịch Nưa cũng có 2-3 cây cầu mới, chỉ có điều, tất cả đều là cầu tự chế, thô sơ và có thể sẽ lại bị cuốn đi khi mùa lũ về.

Ngày 28/10 có lẽ là mốc thời gian khó quên với ông Vương Đình Hoàng - Chủ tịch UBND xã Nặm Lịch - người đàn ông đã cùng với cán bộ bản Lịch Nưa kiên trì hiện thực hóa giấc mơ xây cầu cho người dân tại đây (một trong 4 bản nghèo nhất xã) suốt 15 năm qua. Cây cầu mới khang trang đẹp đẽ, bắc ngang qua dòng suối Lịch Nưa chính thức được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Ngày khánh thành, ông hân hoan giới thiệu với người dân nơi đây về cây cầu tưởng chỉ có trong mơ. Giọng ông run run không giấu nổi nỗi xúc động sau chừng ấy năm mong mỏi, tìm kiếm nguồn tài trợ xây cầu: “Sau hơn 15 năm xin kinh phí xây cầu nhưng chưa được duyệt, phải di chuyển trên những cây cầu tạm bợ, người dân Lịch Nưa hôm nay đã có một cây cầu kiên cố đầu tiên. Chiếc cầu nối dài tri thức từ nay đã không còn nơm nớp lo sợ bị lũ cuốn trôi mất. Hoạt động kinh tế của người dân và việc học của trẻ em tại đây sẽ ổn định hơn. Hành trình xóa đói giảm nghèo cho địa phương đã bớt gian nan hơn rất nhiều”.

Nằm vắt mình qua những đồi núi bạt ngàn, bản Lịch Nưa (thuộc xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) là nơi cư ngụ của hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số người Thái. Nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây đến từ nông nghiệp. Cách duy nhất để di chuyển đến khu vực ruộng đồng canh tác là đi qua cây cầu đan tre ọp ẹp, dễ bị lũ cuốn trôi.

Trong suốt thời gian dài, người dân phải làm cầu đến 2-3 lần trong một năm. 15 năm, hơn 40 cây cầu đã được dựng lên, nhưng chẳng cây cầu nào trụ nổi qua mùa lũ.

Điều kiện sống và học tập thiếu thốn, thời tiết lại khắc nghiệt, mưa lũ xảy ra thường xuyên, không có phương tiện di chuyển giao thông an toàn, người dân nơi đây đã nghèo lại càng thêm khó.

Chặng đường đến với con chữ của trẻ em vùng bản cũng vì thế mà bị cách ngăn, dang dở. Khu vực có cầu, các em đến lớp trong sự nơm nớp lo sợ mỗi khi trời mưa to gió lớn. Ở những vùng sâu xa hơn, các em thậm chí còn phải dùng bao nylon để băng sông hoặc sử dụng bè gỗ đơn sơ, không được trang bị phao cứu hộ.

Với Lường Thị Thùy Linh - học sinh lớp 2 tại bản Lịch Nưa, em bao nhiêu tuổi là từng ấy năm sống chung với lũ. Cô Thủy - giáo viên tại điểm trường Lịch Nưa, cho biết Thùy Linh và bạn bè cùng lớp rất thích đi học dù mỗi mùa lũ đến, việc đến trường luôn là nỗi ám ảnh với các em.

Thùy Linh luôn ước mơ một ngày nào đó, phép màu sẽ xuất hiện như trong những trang sách, cuốn truyện em được tặng: Con đường đi học an toàn hơn, dòng suối xanh sẽ trở nên hiền hòa, ba mẹ em cùng mọi người trong bản đỡ vất vả hơn trên đường lên nương rẫy.

Cách Lịch Nưa hơn 1.800 km, nằm ở vùng cao nguyên đất đỏ bazan với địa hình nhiều khác biệt, nhưng hành trình đến trường của các em nhỏ tại Ea Le, huyện Ea Súp, Đắk Lắk cũng chẳng hề dễ dàng. Không chỉ bị cái nghèo ngăn trở, học sinh xã vùng biên này còn thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy mùa lũ. Tháng 8 năm nay, Ea Súp trải qua đợt lũ lịch sử với nhiều tổn thất nặng nề. Và cứ mỗi đợt mưa gió, việc đi học của các em lại trở nên gian nan hơn, khi mưa to, nước lớn đã cuốn trôi chiếc cầu ọp ẹp - con đường duy nhất để đến trường.

Sợ bị lũ cuốn trôi, nhiều em nhỏ Ea Lê chấp nhận ở nhà phụ mẹ đi làm thay vì đến lớp. Một số ít kiên trì hơn với con chữ thì phải đi đường vòng, xa hơn 8 km để đến trường. “Thằng nhỏ thích học lắm, nhưng cứ mùa mưa lại sợ không dám đi qua cầu. Mình giục con đi học, con tha thiết xin ở nhà đi làm với mẹ”, chị K.T (thôn 8, xã Ea Lê, Ea Sup, Đắk Lắk) chia sẻ.

Đối với các em, để duy trì con chữ là cả một hành trình nhọc nhằn, khó khăn và nhiều nỗi ám ảnh. Còn với những đấng sinh thành như chị T, việc bất lực nhìn con bỏ ngang chuyện học hành là nỗi buồn khó nói thành lời.

Ông Lò Văn Long - Trưởng bản Lịch Nưa, chia sẻ: “Bà con rất cần một cây cầu vững chãi. Sau khi thu hoạch lúa, khoai, sắn, củi, bà con đều phải vác qua suối, nhưng trời mưa thì không đi được. Khổ nhất là các cháu đi học, phải lội suối hoặc chui vào túi để đi”.

Ở những nơi hơn 65% dân cư là hộ nghèo, điện lưới quốc gia chưa về với thôn bản, chưa quy hoạch đường nhựa hay bê tông, nước sạch cũng mới chỉ được cấp, việc góp tiền xây một cây cầu vững chãi là điều gần như nằm ngoài tầm với.

Người dân vẫn phải đối mặt với những hiểm nguy, chỉ biết cầu bị trôi thì dựng lại, ngày này qua ngày khác trông đợi vào phép màu.

Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, phép màu ấy đã đến với người dân Nặm Lịch và Ea Lê. Hai cây cầu kiên cố với độ cao an toàn trong nước lũ đã hoàn thiện, góp phần đem lại diện mạo mới cho những vùng đất xa xôi ở hai đầu đất nước.

Theo thông tin từ phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mường Ảng (Điện Biên) - đơn vị giám sát và đảm bảo chất lượng cho công trình, chiếc cầu tràn được xây dựng có bề ngang 4 m, chiều dài 6 m, độ dày 25 cm với 2 lớp thép chịu lực. Công trình có tải trọng 7 tấn được đảm bảo độ bền trên 20 năm. Trong tương lai, khi đường bê tông rộng rãi hơn được xây dựng, cây cầu này sẽ là nút thắt quan trọng giúp việc lưu thông mua bán, đi lại và học tập của người dân bản Lịch Nưa thuận tiện hơn.

Ngày cây cầu hoàn thiện, hơn 20 hộ dân đã đăng ký dời về sinh sống ở khu vực hai bên đầu cầu. Từ đây, chiếc cầu do Bridgestone xây dựng sẽ tiếp sức cho nhiều em học sinh đến trường an toàn mỗi ngày. Các em nhỏ sẽ không còn phải lội nước đi học hay chui túi nylon băng sông, lội suối; không còn đối mặt với rủi ro trượt chân té ngã hay đến trường trong bộ quần áo ướt. Người dân cũng không còn lo lắng khi phải di chuyển qua dòng nước siết để kiếm kế sinh nhai.

Xây dựng cây cầu mới tại bản Lịch Nưa, xã Nặm Lịch là bước đầu trong kế hoạch mang lại hệ thống giao thông tốt hơn cho người dân của Bridgestone - thương hiệu lốp xe lâu đời đến từ Nhật Bản.

Sau Lịch Nưa, cây cầu mới của Bridgestone tiếp tục được khánh thành ngày 11/11 tại hai thôn 7 và 8, xã Ea Lê (Đắk Lắk) - nơi người dân và hơn 275 học sinh hàng ngày vẫn dùng chung một chiếc cầu gỗ tải trọng thấp trong gần 40 năm qua.

Có cầu mới, trẻ em không phải đi vòng hơn 8 km để đến trường, hoạt động kinh tế cũng hứa hẹn nhiều khởi sắc. “Giờ có cầu mới, tới trường dễ hơn, nên tôi chỉ mong mấy đứa trong nhà, đứa nào cũng học hành tới nơi tới chốn, cuộc sống sau này đỡ vất vả hơn bố mẹ”, chị K.T (thôn 8, xã Ea Lê, Ea Sup, Đắk Lắk) nói, ánh mắt chứa chan niềm hy vọng.

Những mong mỏi về tương lai tươi sáng của người dân, những niềm vui trong veo của đám trẻ thơ miền núi khi cây cầu trong mơ thành hiện thực càng tiếp thêm động lực cho Bridgestone Việt Nam tiếp tục hành trình ý nghĩa này trên khắp cả nước.

Chia sẻ về tâm huyết dành cho dự án, ông Sadaharu Kato, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh Lốp xe Bridgestone Việt Nam, cho biết: “Học sinh Việt Nam nói chung, các em nhỏ tại địa phương khó khăn nói riêng nuôi dưỡng trong lòng niềm ham học đáng trân trọng và cần được khích lệ. Là một doanh nghiệp luôn quan tâm đến cộng đồng, Bridgestone sẵn sàng đồng hành với các em nhỏ Việt Nam mỗi ngày và trên mọi nẻo đường học vấn, khuyến khích thế hệ trẻ vươn lên trong cuộc sống”.

Nhà sáng lập Bridgestone có tên gọi là Shojiro Ishibashi. Trong đó, từ Bashi, dịch sang tiếng Anh có nghĩa là “bridge” - “chiếc cầu”; và từ Ishi là “stone” - “đá". Có lẽ ngài Ishibashi, khi thành lập công ty lốp xe danh tiếng, không hình dung được chiếc cầu Bridgestone vững chãi ngày nay đã vươn xa đến với các em vùng lũ, trở thành phép màu trong đời thực, tiếp sức và nâng đỡ các em nhỏ trong hành trình kiếm tìm tri thức.

Không dừng lại ở hoạt động xây cầu, hãng lốp xe Nhật Bản còn triển khai chiến dịch “Biệt đội Bridgestone - Cùng bé trọn an toàn” tại các trường học ở Hà Nội và TP.HCM. Bằng cách biến giờ học thành những buổi thực hành thú vị, kiến thức về an toàn giao thông đã được truyền tải hiệu quả đến các em học sinh. Qua đó, góp phầnnuôi dưỡng một thế hệ trẻ văn minh khi tham gia giao thông, cũng như giúp trẻ em khắp Việt Nam có con đường đến trường an toàn, vui vẻ mỗi ngày.

Ông Sadaharu Kato, đại diện Bridgestone Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng hoạt động ý nghĩa này đến nhiều trường học, địa phương trong năm 2020 với hy vọng các em nhỏ sẽ học hỏi, tiếp thu tốt hơn thông qua trò chơi tương tác đa dạng. Đây là một trong những nỗ lực của Bridgestone với kỳ vọng giúp trẻ em khắp Việt Nam có một con đường đến trường an toàn, vui vẻ mỗi ngày”.

Hà Mỹ Giang
Đồ họa: An Du

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/uoc-nguyen-xay-cau-cua-nguoi-dan-dien-bien-thanh-hien-thuc-sau-15-nam-post1017052.html