Ươm mầm những ước mơ vùng biên

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã giúp nhiều học sinh nghèo được đến trường. Bằng việc làm thiết thực, mang nặng nghĩa tình, những người lính mang quân hàm xanh đã góp phần ươm mầm và chắp cánh cho những giấc mơ của con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O và ba người con nuôi (Bé Siu H'Ly đứng thứ hai, từ phải qua). Ảnh: PHƯƠNG DUNG

Theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Chía, huyện Ia Grai, chúng tôi đến nhà em Rmah Miên ở làng Bía, xã Ia Chía. Đó là một căn nhà nhỏ nằm dưới chân con dốc trơn trượt. Ba năm trước, cha của Miên mất trong một vụ tai nạn giao thôn. Không kham được gánh nặng gia đình, mẹ Miên dắt ba đứa con về nhà bà ngoại nương nhờ. Cũng từ đó, niềm vui được đến trường của em đành ngắt quãng. Chị Rmah Plui, mẹ Miên tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tiền ăn cũng không có, cho nên học đến lớp 2 cháu phải nghỉ để đi nhặt hạt điều, mót mủ cao-su bán lấy tiền mua gạo. Không được đến trường, cháu cứ khóc nhưng tôi cũng không biết phải làm sao”. Biết được gia cảnh của Miên, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Chía đã đến vận động gia đình cho em đi học trở lại. Mặc dù biết con gái rất thích đến trường, nhưng chị Plui vẫn lắc đầu từ chối. Thế nhưng, khi nghe Bộ đội Biên phòng giải thích sẽ giúp đỡ cháu mỗi tháng 500 nghìn đồng để gia đình nuôi cháu, còn sách, vở, áo quần, bút viết Đồn Biên phòng sẽ lo, chị Plui mới đồng ý. Miên trở thành học sinh “đặc biệt” trong năm học 2017 - 2018 của Trường tiểu học Cù Chính Lan, bởi em bước vào lớp 2 khi đã 11 tuổi. Chưa hết, sợ Miên lâu ngày quên con chữ, đơn vị lại cử cán bộ, chiến sĩ đến tận nhà giúp Miên học lại chương trình lớp 1, tạo động lực cho em tự tin đến lớp.

Siu H’Ly ở làng Cúc, huyện Ia Grai, nay đã 19 tuổi và đã có 12 năm được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của những người lính biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Ia O, huyện Ia Grai. Năm 2006, chỉ vì nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, bố mẹ H’Ly đã bỏ làng vượt biên sang Cam-pu-chia, chẳng may chiếc thuyền chở gia đình H’Ly bị dòng nước xoáy lật ngay giữa dòng sông, trong đêm tối. Mẹ và em trai H’Ly bị dòng nước cuốn trôi, riêng H’Ly được bố kịp đẩy lên một tảng đá nhô cao giữa dòng sông trước khi ông bị dòng nước nhấn chìm. Từ chỗ có một gia đình yên ấm, bỗng chốc, cô bé bảy tuổi Siu H’Ly trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thương cho hoàn cảnh của em, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O đã xin với dân làng nhận em làm con nuôi. Tuy nhiên, để tiện việc sinh hoạt và học tập, đơn vị vẫn để em sống cùng bà cố ngoại và gia đình người họ hàng dưới làng Cúc. Hằng tuần, hằng tháng, ngoài việc gửi tiền ăn uống, sinh hoạt cho em, đơn vị cử người tới gia đình động viên, thăm hỏi, giúp em vượt qua khó khăn. Hiểu được tấm lòng của những “người cha nuôi bộ đội”, Siu H’Ly dần vượt qua mặc cảm và nỗi đau mất mát để học tập tốt. Năm học vừa qua, Siu H’Ly tốt nghiệp THCS. Bà Rơ Mah H’Lố, là cố ngoại của Siu H’Ly, chia sẻ: “Mình già rồi, chỉ muốn cháu học xong THCS rồi ở nhà phụ giúp chăm sóc vườn điều, nhưng cháu bảo phải đi học để có kiến thức, có nghề, sau này không bị người xấu dụ dỗ, không phải khổ nữa”. Trước mong muốn của em, cán bộ biên phòng đã gặp gỡ các thầy giáo, cô giáo trực tiếp dạy em để hiểu rõ hơn về học lực và tham khảo ý kiến, sau đó mới quyết định nộp hồ sơ cho em theo học Trường cao đẳng nghề Gia Lai hệ trung cấp, ngành Công tác xã hội. Trao đổi về trường hợp của Siu H’Ly, Đại úy Phan Công Thắng, Đội trưởng Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia O, cho biết: “Theo kế hoạch ban đầu, đơn vị sẽ nhận nuôi đến khi cháu đủ 18 tuổi. Song, cháu có mong muốn được tiếp tục học nghề để sau này có nghề nghiệp ổn định, phụ giúp bà, vì vậy đơn vị sẽ tiếp tục nhận nuôi cho đến khi cháu học xong”.

Hơn một năm qua, đơn vị còn nhận em Rơ Lan H’Ly, ở làng Mít Chép đang là học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc và mới đây là em Kpuih Hiếu, ở làng Kloong, học sinh Trường tiểu học Bùi Thị Xuân. Cả hai em đang 11 tuổi và đều có hoàn cảnh đáng thương: Rơ Lan H’Ly mồ côi mẹ, còn Kpuih Hiếu mồ côi bố, phải sống với ông bà, người thân đã già yếu. Đại úy Phan Công Thắng cũng cho biết thêm, riêng với trường hợp của Siu H’Ly, mỗi tháng đơn vị hỗ trợ khoảng 900 nghìn đồng; còn đối với Rơ Lan H’Ly và Kpuih Hiếu, đơn vị trích kinh phí hỗ trợ 500 nghìn đồng/cháu/tháng. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ tiền mua sách vở, áo quần, dụng cụ học tập… để tạo điều kiện cho các em đến trường được đầy đủ. Tại xã biên giới Ia Dom, huyện Đức Cơ, gần 5 năm nay, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh luôn duy trì “Bếp ăn tình thương” giúp đỡ 14 học sinh là con em đồng bào Gia Rai có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã. Để duy trì bếp ăn, hằng tháng lãnh đạo đồn tự nguyện trích 200.000 đồng, các sĩ quan quân nhân trích 100.000 đồng/người từ lương của mình. Tính từ tháng 6-2012 đến nay, tổng kinh phí để duy trì bếp ăn đã hơn 400 triệu đồng. Mỗi em một hoàn cảnh, em thì mất cha, em thì mất mẹ, có trường hợp mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng được sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng các em vẫn có thể viết tiếp ước mơ đến trường.

Đến cuối năm 2017, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã nhận giúp đỡ 48 học sinh là con em đồng bào DTTS đang sinh sống tại ba huyện biên giới thuộc tỉnh Gia Lai được đi học đến hết lớp 12 với hình thức hỗ trợ mỗi em 500 nghìn đồng/tháng. Số tiền này do cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong lực lượng biên phòng tỉnh đóng góp hằng tháng và được trao tận tay các học sinh. Đại tá Lê Thuần Huy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết: “Chương trình “Nâng bước em đến trường” được chúng tôi thực hiện hơn hai năm qua và đem lại hiệu quả xã hội thiết thực. Chúng tôi sẽ thực hiện chương trình này lâu dài để giúp đỡ các em vùng biên giới có hoàn cảnh khó khăn thực hiện được ước mơ đến trường, với hy vọng sau này các em được học hành, khôn lớn, trở thành những người có tri thức giúp đỡ bà con làng bản mình trong công cuộc xóa, đói giảm nghèo, xây dựng biên cương bình yên”.

PHAN HÒA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38353002-uom-mam-nhung-uoc-mo-vung-bien.html