Uốn tầm vông - nghề bẻ cong thành thẳng

Tầm vông (hay còn gọi là trúc Xiêm La) là một loài trong phân họ tre. Vốn có đặc trưng hình thái tốt, độ bền cao nên thường được sử dụng rộng rãi trong làm đồ thủ công mỹ nghệ, vật dụng gia đình và vật liệu xây dựng.

Uốn tầm vông không phải công việc quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự khéo léo bẻ cong thành thẳng

An Giang xưa nay vốn là vùng đất sinh ra nhiều ngành nghề lý tưởng. Tuy điều kiện địa lý không thuận lợi hơn ở những tỉnh, thành khác của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên bà con nơi đây lại có mức sống tương đối ổn định và nghề nghiệp mưu sinh đa dạng.

Có thể nói, Tri Tôn được xem là huyện nghèo nhất của tỉnh An Giang, cho nên bà con nơi đây rất cần mẫn, chịu khó tìm tòi công việc để đảm bảo cuộc sống. Trong đó, nghề uốn tầm vông trở thành một trong những nghề ưa chuộng và là nét đặc trưng của vùng đất cằn cỏi này.

Công việc uốn tầm vông dù không phải là nhẹ nhàng hay thu nhập quá cao nhưng nó đem lại nguồn thu nhập ổn định và quanh năm cho bà con. Từ tờ mờ sáng, vợ chồng anh Chau Rôn (42 tuổi, ngụ xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) đã gọi nhau dậy để bắt đầu công việc thường nhật.

“Mình lao động chân tay mà, nghề nào mà không cực. Nghề uốn tầm vong này phải làm từ sáng tới chiều tối, buổi trưa nắng chang chang, nhất là phần gốc, có khi phải dùng chân đạp mạnh nó mới xuống. Uốn ngọn có một ngày xong, chứ uốn gốc ra tới hai ngày”.

Vừa nói, anh Rôn vừa lấy tay đè mạnh những cây tầm vông cong queo đang quằn mình trong cơn lửa nóng. Theo nghề cũng đã hơn chục năm, đôi bàn tay khô ráp, chay sần của anh đã bẻ cong thành thẳng không biết bao nhiêu cây tầm vông.

Mỗi ngày, anh uốn tầm 200 cây, kiếm được khoảng 300.000 đồng/ ngày. Số tiền này anh dành dụm để mua sách vở, lo học phí cho con và trang trải cuộc sống gia đình.

Công đoạn canh lửa là công đoạn quan trọng để uốn nhanh và hiệu quả

Công việc uốn tầm vông không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự khéo léo. Theo trình tự gốc uốn trước ngọn uốn sau, những cây tầm vông được xếp chồng lên nhau, lần lượt từng cây một bị đem lên “nướng”. Song, công đoạn khó nhất chính là việc canh lửa. Người uốn luôn phải giữ cho lửa cháy đều, nóng nhiều thì việc “nướng’ tầm vông mới nhanh và hiệu quả được.

Cây trưởng thành thường cao khoảng tầm 6 – 13m, đường kính khoảng 2 – 7cm. Với đặc trưng vỏ dày, đặc ruột, độ bền cao, khả năng uốn cong vượt trội nên tầm vông được sử dụng rộng rãi trong việc làm đồ thủ công mỹ nghệ hay vật dụng gia đình như thang, bàn, ghế, tủ... Ngoài ra, tầm vông còn có thể làm vật liệu xây dựng để cất nhà.

Chính từ tính ứng dụng cao trong đời sống, mà thị trường đang rất cần loại tầm vông này. Vì vậy, ngoài việc bảo vệ đất, chống xói mòn, chắn gió thì tầm vông còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.

“Lúc trước làm ruộng, làm rẫy sống cũng chật vật lắm. Bây giờ thấy tầm vông có giá mà lại không tốn kém như lúa nên tôi chuyển qua làm. Cuộc sống kinh tế các thứ thấy đâu vào đó mình cũng vui”, anh Rôn cười.

Ở An Giang, đất đai khô hạn, tình trạng thiếu nước là không thể tránh khỏi, đặc biệt là mùa nắng khí hậu càng khắc nghiệt nhưng tầm vông vẫn có thể sống và phát triển tốt. Cũng bởi do loài cây này có khả năng chịu hạn cực kỳ tốt. Và vì khả năng “tự lực cánh sinh” của tầm vông cao, tốc độ sinh trưởng nhanh nên trồng tầm vông không tốn nhiều công chăm sóc và nguồn vốn.

Tuy nhiên, không phải cây nào cũng có thể uốn được, nó phải đảm bảo được độ tuổi phù hợp là từ 3 năm trở lên mới có thể uốn. Tầm vông sau khi được uốn thẳng, đẹp sẽ được mang đi bán ở khắp các tỉnh, thành vùng đồng bằng, nhiều nhất là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu...

Diễm Kiều

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tieu-dung-va-du-luan/uon-tam-vong-nghe-be-cong-thanh-thang-453743.html