Uống cùng lượng rượu, nồng độ cồn ở nam và nữ khác nhau thế nào?

So sánh 2 người cùng cân nặng, chiều cao và lượng đồ uống, phụ nữ thường hấp thụ rượu nhanh và có nồng độ cồn trong máu cao hơn nam giới.

Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học quốc gia Mỹ cho biết khả năng vận hành xe cơ giới của một người bắt đầu suy giảm ngay trước khi nồng độ cồn trong máu (BAC) đạt 0,05-0,08%.

Tiêu thụ bao nhiều đồ uống có cồn để nồng độ BAC là 0,05%?

Ở mức 0,05%, một người bắt đầu suy giảm khả năng phối hợp, di chuyển, khó điều khiển và phản ứng kém trong các tình huống lái xe khẩn cấp. Thậm chí, nồng độ cồn của những người lái xe trong vận tải thương mại còn bị giới hạn ở mức 0,04%.

Theo Business Insider, một ly đồ uống tiêu chuẩn tương đương 44 ml rượu 40% cồn, 355 ml bia 4,5% cồn, 148 ml rượu vang 12% cồn.

Chẳng hạn, một người đàn ông nặng 73 kg có thể có BAC khoảng 0,05% sau khi tiêu thụ 2 ly đồ uống có cồn tiêu chuẩn trong một giờ. Tương tự, một người phụ nữ nặng 54 kg có thể đạt đến ngưỡng này sau khi uống một ly tiêu chuẩn trong một giờ.

Những con số này là gần đúng và có thể thay đổi dựa trên lượng thức ăn có trong dạ dày của người uống.

Nam và nữ hấp thụ rượu khác nhau như thế nào?

So sánh 2 người có cùng trọng lượng, chiều cao và lượng đồ uống, nữ giới thường có nồng độ cồn trong máu cao hơn nam giới.

Cơ thể phụ nữ bị rượu tác động nhanh hơn vì họ có tỷ lệ mỡ cơ thể cao hơn nam giới. Vì chất béo không thể hấp thụ rượu, nó tập trung ở mức cao hơn trong máu. Ngoài ra, phụ nữ cũng chứa ít enzyme dạ dày phân hủy rượu trước khi nó đi vào máu. Do đó, phụ nữ hấp thụ rượu vào máu nhiều hơn gần 30% so với nam giới có cùng chiều cao, cân nặng và uống cùng lượng rượu.

Nữ giới dễ bị say và có nồng độ cồn cao hơn nam giới. Ảnh: Mensjournal.

Các yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ cồn trong máu

Theo Live Science, các yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ cồn trong máu là cân nặng, tuổi tác, giới tính, thực phẩm và khả năng hấp thụ rượu của từng người.

- Giới tính: Khi so sánh 2 người có cùng trọng lượng, chiều cao và lượng đồ uống, nữ giới thường có nồng độ cồn trong máu cao hơn nam giới.

- Cân nặng: Một người càng nặng cân, càng có nhiều nước trong cơ thể. Nước làm loãng rượu, khiến mức BAC thấp hơn.

- Tuổi tác: Càng lớn tuổi, tác động của rượu đối với cơ thể càng lớn.

- Thực phẩm: Uống rượu bia khi đói bụng sẽ làm tăng nồng độ BAC nhanh hơn so với việc uống trong lúc ăn hoặc sau khi ăn.

- Khả năng hấp thụ: Bạn uống càng nhanh, nồng độ cồn trong máu sẽ càng tăng nhanh.

Cục Quản lý An toàn Giao thông Mỹ đưa ra những tác động của việc lái xe với BAC khác nhau:

- 0,02%: Cơ thể ở trạng thái hưng phấn nhẹ nhàng, thư giãn, tương tác tốt với xã hội. Bạn bị giảm khả năng phán đoán, di chuyển, dễ bị phân tâm.

- 0,05%: Cơ thể có biểu hiện mất kiểm soát về mắt, giảm sự tỉnh táo, khó theo dõi vật chuyển động, phản ứng kém khi có tình huống khẩn cấp.

- 0,08%: Bạn phối hợp cơ kém, mất thăng bằng, thời gian phản ứng chậm, nói chậm, suy giảm thị lực và thính giác, khó phát hiện nguy hiểm, giảm khả năng phán đoán và trí nhớ. Khi lái xe, bạn gặp khó khăn khi kiểm soát tốc độ, phản ứng chậm với các tín hiệu và tình huống khẩn cấp.

- 0,10%: Ở cấp độ này, mọi kiểm soát và hành động bị suy giảm đáng kể. Người lái xe khó duy trì đường đi và phanh khi cần thiết.

- 0,15%: Khả năng kiểm soát cơ bắp kém, khó giữ thăng bằng, dễ bị nôn mửa. Bạn gặp vấn đề đáng kể trong việc điều khiển phương tiện và chú ý đến lái xe.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/uong-cung-luong-ruou-nong-do-con-o-nam-va-nu-khac-nhau-the-nao-post1032178.html