Uống nhiều cà phê giải khát trong mùa nắng nóng, coi chừng tác dụng ngược

Bác sĩ khuyến cáo để tránh say nắng, say nóng vào mùa hè, cần tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu, vì các chất này có thể khiến tình trạng mất nước trầm trọng hơn

Bạn đọc Đào Thanh Minh (35 tuổi, ngụ TP HCM) hỏi: Công việc của tôi thường xuyên phải di chuyển ngoài đường trong khi thời tiết những ngày này nắng nóng cao độ nên tôi hay thấy choáng váng, đau đầu rất khó chịu. Xin bác sĩ cho biết làm sao để không bị say nóng, say nắng khi làm việc ngoài trời mùa này?

Bác sĩ chuyên khoa 1, Huỳnh Văn Mười Một, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM) trả lời:

Biểu hiện của tình trạng say nắng, say nóng gồm: Sốt từ 40 độ C trở lên; thay đổi về trạng thái tinh thần hoặc hành vi (như lú lẫn, kích động, nói lắp); chóng mặt và choáng váng; da khô, nóng hoặc tăng tiết mồ hôi; buồn nôn và ói mửa; da ửng đỏ; mạch đập nhanh yếu cơ hoặc chuột rút; thở nhanh; đau đầu; vô thức; co giật.

Nguyên nhân gây say nắng, say nóng do không uống đủ nước khi thời tiết nắng nóng, không khí lưu thông kém trong nhà, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào nơi ở.

Nhiệt độ môi trường tăng cao, nhất là thời điểm mùa hè khiến nhiều người rơi vào tình trạng say nắng. Bên cạnh đó còn có những yếu tố thuận lợi khác bao gồm: Khả năng điều nhiệt, thích nghi kém với nắng nóng ở trẻ em hoặc người già; tập luyện và làm việc quá lâu trong môi trường nắng nóng; mặc trang phục quá dày, không thấm nước, dễ hấp thụ nhiệt…; không uống đủ lượng nước cần thiết khi ở trong môi trường quá nóng; sử dụng thuốc có tác dụng phụ làm giảm tiết mồ hôi như lợi tiểu, chẹn beta, kháng histamin… Mắc các bệnh lý, rối loạn nội tiết tố, béo phì…

Để phòng ngừa say nắng, say nóng trong mùa hè, tốt nhất bạn nên ở trong môi trường có không khí mát mẻ. Trường hợp phải ra ngoài khi trời nắng, bạn có thể ngăn ngừa hiện tượng say nắng bằng cách thực hiện các lưu ý sau: Bổ sung các loại nước trái cây giúp giảm nhiệt độ cơ thể trong những ngày nắng nóng. Mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, sáng màu và đội mũ rộng vành. Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên. Uống thêm nước nhằm ngăn ngừa tình trạng mất nước. Nên uống ít nhất 1,5 lít nước lọc, nước trái cây hoặc nước ép rau củ mỗi ngày hoặc có thể dùng nước uống thể thao giàu chất điện giải trong những ngày nhiệt độ lên cao và độ ẩm xuống thấp.

Bên cạnh đó, tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu, vì các chất này có thể khiến tình trạng mất nước trầm trọng hơn.

Hải Yến ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bac-si-cua-ban/uong-nhieu-ca-phe-giai-khat-trong-mua-nang-nong-coi-chung-tac-dung-nguoc-20230426092222283.htm