Uống thuốc gì khi bị rối loạn tiêu hóa ngày Tết

Ăn uống thất thường, uống nhiều bia rượu là nguyên nhân chính gây rối loạn tiêu hóa trong những ngày Tết. Vậy khi bị rối loạn tiêu hóa cần dùng thuốc gì?

1. Rối loạn tiêu hóa là gì?

Rối loạn tiêu hóa là vấn đề về sức khỏe thường gặp. Quá trình tiêu hóa rất quan trọng để phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng mà cơ thể sử dụng để tạo năng lượng, tăng trưởng và sửa chữa tế bào.

Rối loạn tiêu hóa là một nhóm các tình trạng xảy ra khi hệ thống tiêu hóa không hoạt động bình thường. Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp bao gồm ợ nóng, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn…

Rối loạn tiêu hóa do bệnh lý thường bao gồm các bệnh lý như viêm đại tràng, viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng… gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất.

Rối loạn tiêu hóa không do bệnh lý thường do thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống.

Rối loạn tiêu hóa là vấn đề về sức khỏe thường gặp.

Rối loạn tiêu hóa là vấn đề về sức khỏe thường gặp.

2. Vì sao ngày Tết dễ bị rối loạn tiêu hóa

Chế độ ăn uống, dinh dưỡng hằng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Thức ăn trong những ngày Tết thường nhiều đạm, chất béo, thực phẩm chế biến sẵn... Vì vậy, rối loạn tiêu hóa phần lớn xuất phát từ nguyên nhân này.

Các món ăn ngày Tết thường nhiều đạm, chất béo có thể gây rối loạn tiêu hóa.

Trong đó, một số loại thực phẩm có nguy cơ cao gây tác động tiêu cực cho tiêu hóa gồm:

- Thực phẩm ôi thiu: Vi khuẩn từ thực phẩm ôi thiu xâm nhập vào hệ tiêu hóa sẽ dẫn đến ngộ độc gây đau quặn thắt và một loạt các vấn đề khác

- Đồ ăn cay nóng: Khiến dạ dày bị tổn thương có thể gây rối loạn hệ tiêu hóa.

- Sản phẩm từ sữa: Ở một số người, hệ tiêu hóa không thể dung nạp được sữa và các sản phẩm từ sữa.

- Thực phẩm có tính axit: Các loại thực phẩm có tính axit cao như bưởi, cam, cà chua, chanh… có thể gây kích ứng lên niêm mạc dạ dày.

- Đồ uống chứa cồn: Rượu bia sẽ kích thích cơ vòng thực quản, gây ợ chua và các vấn đề khác. Do đó, để hệ tiêu hóa khỏe mạnh, trong những ngày Tết nên kiểm soát lượng tiêu thụ rượu bia.

3. Các thuốc trị rối loạn tiêu hóa

Mặc dù rối loạn tiêu hóa thường tự hết, nhưng các loại thuốc không kê đơn có thể giúp giảm bớt nhiều triệu chứng.

3.1 Ợ nóng

Ợ nóng là do sự mất cân bằng axit trong dạ dày, thường xảy ra khi ăn một bữa ăn lớn hoặc một số loại thực phẩm nhất định. Các chất trong dạ dày trào lên thực quản, gây ra cảm giác nóng rát ở ngực, sau xương ức và giữa bụng.

Một số loại thuốc không kê đơn có thể giúp giảm các triệu chứng và giảm độ axit trong dạ dày, bao gồm:

Thuốc kháng axit giúp giảm đau nhanh chóng, ngắn hạn bằng cách trung hòa axit dạ dày. Thuốc kháng axit bao gồm canxi cacbonat hoặc chứa magiê.
Thuốc chẹn H2, như famotidine và cimetidine, làm giảm lượng axit mà dạ dày tạo ra. Mặc dù phải mất đến một giờ để thuốc chẹn H2 phát huy tác dụng, nhưng tác dụng kéo dài hơn thuốc kháng axit, lên đến 12 giờ.

Thuốc ức chế bơm Proton (PPI) giúp giảm sản xuất axit dạ dày lên đến 24 giờ. Lansoprazole và omeprazole là các loại thuốc ức chế bơm proton phổ biến.

Tác dụng phụ của các loại thuốc này có thể bao gồm buồn nôn, táo bón, tiêu chảy và nhức đầu. Cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc kháng axit nếu đang mang thai, cho con bú, dùng thuốc theo toa hoặc nếu có vấn đề về dạ dày, gan hoặc thận.

3.2 Buồn nôn và nôn

Buồn nôn và nôn là một trong những phản ứng tự vệ của cơ thể chống lại ngộ độc thực phẩm và cũng có thể phát sinh từ các vấn đề như say tàu xe và ăn quá nhiều.

Thuốc chỉ nên sử dụng ngắn hạn, nếu rối loạn tiêu hóa vẫn tiếp tục hoặc trầm trọng hơn, cần thông báo với bác sĩ.

Mặc dù trong hầu hết các trường hợp ngộ độc thực phẩm, cơ thể có thể tự điều chỉnh, nhưng thuốc chống nôn không kê đơn có thể hữu ích trong một số trường hợp, bao gồm:

Bismuth subsalicylate bảo vệ niêm mạc dạ dày. Thuốc này cũng được sử dụng để điều trị loét, đau dạ dày và tiêu chảy.
Các loại thuốc khác bao gồm cyclizine, dimenhydrinate, diphenhydramine và meclizine tác động lên phần não kiểm soát buồn nôn và nôn.

Các tác dụng phụ của bismuth subsalicylate thường không đáng kể và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Một số thuốc chống nôn có thể gây buồn ngủ, hãy đọc nhãn cẩn thận và chú ý đến bất kỳ cảnh báo nào về việc sử dụng chung với rượu, lái xe hoặc vận hành máy móc.

Cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang sử dụng thuốc giảm đau hoặc một số loại thuốc khác vì có thể gây tương tác bất lợi.

3.3 Táo bón

Chế độ ăn ít chất xơ và uống ít nước có thể gây táo bón. Nếu đã hơn ba ngày mà không đi tiêu hoặc gặp khó khăn khi đi đại tiện, có thể cân nhắc tạm thời dùng thuốc nhuận tràng.

Thuốc nhuận tràng tạo khối hút nước vào phân để làm cho phân mềm và dễ dàng thải ra ngoài. Khi dùng thuốc nhuận tràng nên uống nhiều nước.
Thuốc nhuận tràng thẩm thấu hút chất lỏng vào ruột từ các mô gần đó. Thuốc nhuận tràng thẩm thấu thường có các thành phần như polyethylen glycol hoặc magiê. Thuốc nhuận tràng bôi trơn, như thuốc đạn glycerin, phủ lên bề mặt phân hoặc hậu môn để giúp phân dễ dàng đi qua hơn. Dầu khoáng là chất nhuận tràng bôi trơn phổ biến.
Thuốc nhuận tràng kích thích, chỉ nên được sử dụng ngắn ngày, vì lạm dụng có khả năng gây hại cho cơ thể.

Thuốc nhuận tràng thường không có tác dụng phụ, nhưng trong một số trường hợp, có thể gây chuột rút, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn hoặc tiêu chảy. Không sử dụng thuốc nhuận tràng trong hơn một tuần mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Sử dụng thuốc nhuận tràng lâu dài có thể không tốt cho sức khỏe và có thể che giấu dấu hiệu nhận biết một số bệnh lý tiềm ẩn khác.

Cẩn trọng sử dụng thuốc nhuận tràng nếu bị đau dạ dày, buồn nôn, nôn, sốt. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang dùng thuốc theo toa: Thuốc nhuận tràng khiến cơ thể khó hấp thụ một số loại thuốc và chất dinh dưỡng hơn.

3.4 Tiêu chảy

Tiêu chảy là tình trạng phân lỏng hoặc nhiều nước. Trong hầu hết các trường hợp, tiêu chảy thường không cần dùng thuốc và tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, thuốc chống tiêu chảy có thể giúp giảm các triệu chứng. Thuốc chống tiêu chảy không kê đơn phổ biến:

Loperamid làm chậm chất lỏng di chuyển qua ruột.
Bismuth subsalicylate làm giảm lưu lượng chất lỏng trong ruột, đồng thời giảm viêm và có thể tiêu diệt vi khuẩn gây tiêu chảy ngay từ đầu.

Loperamid có thể gây buồn ngủ, vì vậy hãy nhớ đọc nhãn thông tin cẩn thận. Bismuth subsalicylate có thể làm cho lưỡi và/hoặc phân có màu đen. Nếu nghi ngờ bệnh tiêu chảy có thể do nhiễm trùng, thông báo với bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp. Liên hệ cơ sở y tế nếu bị sốt hoặc thấy có chất nhầy hoặc máu trong phân, vì có thể báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng hơn.

Lưu ý, những loại thuốc trên đây chỉ nên sử dụng ngắn hạn, nếu rối loạn tiêu hóa vẫn tiếp tục hoặc trầm trọng hơn, cần thông báo với bác sĩ hoặc liên hệ với cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

Ds. Nguyễn Thị Trang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/uong-thuoc-gi-khi-bi-roi-loan-tieu-hoa-ngay-tet-169230114173249592.htm