USD tiếp tục 'thống trị' trong các đồng tiền thanh toán quốc tế

Đồng bạc xanh hiện diện trong khoảng 88% toàn bộ số giao dịch ngoại tệ thế giới trong suốt 18 năm qua.

Kiểm đồng USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Kiểm đồng USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài phân tích đăng tải trên trang mạng của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), tác giả David Uren thuộc Đại học Sydney nhận định Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã nỗ lực làm suy yếu sự thống trị của đồng đôla Mỹ (USD) trong hệ thống thanh toán toàn cầu, song đồng bạc xanh vẫn hiện diện trong khoảng 88% toàn bộ số giao dịch ngoại tệ thế giới trong suốt 18 năm qua.

Một bản báo cáo mới công bố của Tiến sỹ Kirchner, thuộc Trung Tâm nghiên cứu Mỹ - Đại học Sydney, khẳng định USD vẫn giữ vững vai trò “thủ lĩnh” trong các đồng tiền thanh toán quốc tế. Sự thống trị của đồng USD phản ánh chiều sâu thị trường vốn và sức mạnh của các tổ chức kinh tế Mỹ, cũng như chứng minh khả năng tồn tại dài hạn của loại tiền tệ này.

Theo Tiến sỹ Kirchner, việc đồng USD tiếp tục giữ vị trí quán quân đã mang lại cho Nhà Trắng khả năng “vô song” để gây áp lực lên các quốc gia khác thông qua cách áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo việc lạm dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ hạn chế các quốc gia tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề phát sinh.

Một cuộc khảo sát định kỳ mỗi ba năm về doanh thu ngoại hối, do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế thực hiện, đã cho thấy tỷ trọng của đồng USD đã giảm xuống còn 84,9% vào đầu thập kỷ này, nhưng vẫn lớn hơn tổng số tỷ trọng của đồng euro và đồng yen của Nhật Bản.

Năm 2019, đồng euro chiếm 32,2% tổng giao dịch ngoại hối toàn thị trường, giảm 6,7% so với năm 2010, trong khi, tỷ trọng của đồng yen giảm từ 19% xuống còn 16,8% trong cùng giai đoạn.

Chỉ có 4,3% các giao dịch ngoại hối toàn cầu sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT), ít hơn đáng kể so với con số 6,8% của đồng đôla Australia (AUD).

Thị trường ngoại hối thế giới, có tổng số giao dịch trị giá lên tới 6,6 tỷ USD mỗi ngày, chỉ là một trong những nhân tố tạo ra sự thống trị cho đồng USD. Các nhân tố khác bao gồm 63% nợ chứng khoán bằng đồng USD (so với con số 20% bằng đồng euro) và 40% các giao dịch tài chính xuyên biên giới.

Đồng USD thường được sử dụng là loại tiền tệ xác lập hóa đơn cho các giao dịch xuất khẩu thế giới, nhiều gấp ba lần tổng số các giao dịch xuất khẩu có nguồn gốc từ Mỹ. Khoảng 70% các quốc gia trên thế giới ấn định giá trị đồng tiền nội tệ bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cùng dựa trên đồng USD.

Hơn thế nữa, đồng USD cũng là đồng tiền được các ngân hàng trung ương thế giới lựa chọn. Những ngân hàng này dùng đồng USD cho 62% tổng lượng dự trữ ngoại hối của họ, mặc dù ông Kirchner lập luận rằng hiện tại, đồng tiền dự trữ sẽ không tạo ra sự lưu thông phổ biến của đồng USD trong các giao dịch thương mại toàn cầu. Thay vào đó, bối cảnh này phản ánh chiều sâu và tính thanh khoản của thị trường vốn Mỹ, cũng như khả năng hỗ trợ kinh tế và thể chế chính trị của đồng USD.

Khi đồng euro ra mắt vào năm 1999, nhiều nhà kinh tế kỳ vọng đồng tiền mới này sẽ là đối thủ, hay thậm chí thay thế cho đồng USD.

Cựu Giám đốc Kinh tế Quốc tế của Kho bạc Mỹ, Fred Bergsten, dự đoán đồng euro sẽ bắt kịp đồng USD trong vòng 5 đến 10 năm.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) cũng theo đuổi chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT) từ năm 2006, với mong muốn nâng cao vị thế quốc tế và “gia tăng quyền lực” cho Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2016, đưa đồng NDT vào giỏ tiền tệ quốc tế, được sử dụng để xác định giá trị “quyền rút vốn đặt biệt” thuộc tổ chức này.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo, ông Kirchner nhận định cả Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Trung Quốc đều cho thấy quy mô đơn lẻ sẽ không mang lại vị thế quốc tế cho một loại tiền tệ.

Chỉ những thị trường vốn phát triển tốt, được hậu thuẫn bởi các thể chế chính trị có tiếng nói quan trọng, có các chính sách tài chính, tiền tệ, quyền sở hữu trí tuệ và hệ thống luật pháp tương đối lành mạnh mới có thể cung cấp nền tảng cho một loại tiền tệ được ưa chuộng rộng rãi ngoài biên giới của đồng tiền đó.

Theo ông Kirchner, cả Eurozone lẫn Trung Quốc đều đang bị bao vây bởi các thể chế chính trị và kinh tế yếu kém, thường xuyên chống lại sự cải cách. Triển vọng của đồng euro hay NDT thay thế đáng kể cho đồng USD trong kinh tế toàn cầu ở trung hạn gần như bằng không.

Ông cho rằng đồng euro là nguồn gốc của sự yếu kém kinh tế thay vì kỳ vọng nó tạo ra sức mạnh cho các nền kinh tế thành viên bằng cách giới hạn phạm vi điều chỉnh tỷ giá để hấp thụ các cú sốc kinh tế.

Các tài sản có mệnh giá bằng đồng euro không được các nhà đầu tư toàn cầu coi là nơi trú ẩn an toàn khi gặp khó khăn, vì liên minh tiền tệ không nhận được hỗ trợ bởi bất kỳ chiến lược ngân sách chung hoặc liên minh ngân hàng nào.

Giai đoạn 2012 - 2019, tỷ trọng thanh toán toàn cầu của đồng euro đã giảm từ 4% xuống còn 34%, trong khi vai trò công cụ quốc tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bị suy giảm đáng kể từ năm 2006 và gần như không lớn hơn thời điểm ra đời vào 20 năm trước.

Vai trò không thể thiếu của đồng USD trong các giao dịch quốc tế mang lại cho Washington một đòn bẩy mạnh mẽ. Những biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ có thể ngăn chặn các công ty và cá nhân khác nhau truy cập vào hệ thống thanh toán của Mỹ để giải quyết các giao dịch bằng đồng USD.

The tác giả của bản báo cáo, các ngân hàng quốc tế dựa vào mối quan hệ với các ngân hàng Mỹ và quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng hệ thống thanh toán bằng đồng USD do Mỹ quản lý để thực hiện các giao dịch quốc tế thay mặt cho khách hàng của họ.

Nga, Iran, Venezuela và Triều Tiên, những quốc gia chủ thể của lệnh trừng phạt, nơi mà việc thực thi đạt hiệu quả chủ yếu nhờ vai trò của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, cuộc tấn công kinh tế do Mỹ khởi xướng đang mang tới một số điểm lùi. Ví dụ, EU bắt đầu chuyển sang định giá dầu nhập khẩu bằng đồng euro, để tạo điều kiện cho việc tiếp tục mua hàng từ Nga. Với Iran, một loại hình thanh toán đặc biệt đã được thiết lập để các nhà nhập khẩu và xuất khẩu EU khớp các giao dịch quy đổi bằng giá trị tương ứng với phía Iran.

Báo cáo kết luận nếu Chính phủ Mỹ lạm dụng vai trò của đồng USD như một công cụ ép buộc kinh tế quốc tế, thì hệ quả là siêu cường quốc này đã gián tiếp thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các cơ chế thanh toán thay thế, không dựa trên đồng USD./.

Diệu Linh (TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/usd-tiep-tuc-thong-tri-trong-cac-dong-tien-thanh-toan-quoc-te/142437.html