“Ưu đãi thuế và đất đai không phải là yếu tố quyết định”

BizLIVE - Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về chiến lược trong thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và thu hút các tập đoàn đa quốc gia nói riêng vào Việt Nam.

Win - Win không phụ thuộc vào các TNC mà phụ thuộc vào chính mình (ảnh: Internet)

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, hiện ưu đãi về thuế quan và đất đai không còn là cái mà các tập đoàn đa quốc gia (TNC) nhắm tới khi tiến hành đầu tư.

Thực tế với những hiệp định mới, cơ hội mới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các TNC sẽ nhìn vào đó để có sự cơ cấu lại về đầu tư. Do đó, cơ hội của mình trong TPP là rất lớn, những ràng buộc trong TPP tạo ra cơ hội lớn cho các nước tham gia ban đầu.

“Do đó, chúng ta không nên nhìn vào thuế và đất đai mà cần nhìn vào cơ cấu sản xuất như đến đây sẽ có chi phí sản xuất thấp nhất, giá nhân công rẻ...

Đặc biệt, sự lựa chọn của họ là lựa chọn tự nhiên theo thị trường, chuỗi giá trị toàn cầu nên cái quan trọng của chúng ta là trong những năm đầu phải làm được công nghiệp phụ trợ cho họ, để kéo họ vào một cách chặt chẽ hơn, thúc đẩy tăng trưởng giá trị gia tăng hơn. Vì với những quy mô lớn thì họ sẽ tiến hành các hoạt động nghiên cứu và từ đó mới tăng được tính lan tỏa đối với Việt Nam”, ông Cung nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, quan trọng nhất là Việt Nam cần có những đối tác tin cậy, phối hợp với họ. Điều này đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của mọi thành phần, nhất là các doanh nghiệp để lấp được các khoảng trống và gia nhập được chuỗi sản xuất toàn cầu của họ.

“Như vậy thì mình sẽ có Win – Win và Win - Win không phụ thuộc vào họ mà phụ thuộc vào mình”, ông Cung nói.

Với ý kiến cho rằng ngoài thuế và đất đai ưu đãi, Việt Nam cần bảo bối gì để thu hút các TNC nói chung và các nhà đầu tư ngoại nói riêng, ông Cung cho rằng: “thuế và đất đai ưu đãi không phải là yếu tố quyết định, quan trọng là môi trường kinh doanh, kĩ năng của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước của mình có phản ứng nhanh nhạy và đáp ứng được yêu cầu của chuỗi giá trị toàn cầu hay không”.

Trên thực tế, trong thời gian qua, Việt Nam đã có rất nhiều cải thiện trong hệ thống pháp lý, nhất là bổ sung, sửa đổi một số bộ luật liên quan đến kinh doanh và đầu tư...

Nhưng khảo sát vừa qua của các tổ chức quốc tế cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa đánh giá cao những cải thiện đó khi Top 5 rủi ro vẫn chủ yếu liên quan đến hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành chưa minh bạch, thủ tục hành chính phức tạp, chế độ thuế, thủ tục hải quan phức tạp...

Thừa nhận thực tế này, ông Cung cho biết thêm: “Dù Chính phủ Việt Nam đã cố gắng nỗ lực cải thiện rất nhiều. Nhưng cải thiện chưa được bao nhiêu, thậm chí trên một số lĩnh vực theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì kém đi”.

Song theo ông Cung, Chính phủ đã nhận biết điều đó và ngoài việc ra Nghị quyết 103 về định hướng nêu cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài, sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành nghị quyết về những nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh rất cụ thể.

Ví dụ như đơn giản hóa thủ tục hải quan chỉ còn từ 5 -10 ngày, đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, giảm đi 5 thủ tục... Ở đây có những thủ tục và những chỉ tiêu Ngân hàng thế giới, Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá hàng năm nên hoàn toàn căn cứ vào những chuẩn mực quốc tế để thực hiện.

“Với những nhiệm vụ, mục tiêu, cơ quan triển khai cụ thể, có những khác biệt về cách thức và nội dung thì tôi tin nghị quyết mới này sẽ có hiệu lực và hiệu quả, ở mức độ nhất định sẽ cải thiện được phần nào những điều mà các nhà đầu tư hay phàn nàn”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/uu-dai-thue-va-dat-dai-khong-phai-la-yeu-to-quyet-dinh-109375.html