Ưu tiên các khoản chi cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Đó là ý kiến của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận các báo cáo về ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn tại Phiên họp thứ 28, diễn ra sáng 16-10.

Phân tích về một số khoản ngân sách đầu tư liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Ngân sách quốc phòng thường xuyên bảo đảm cho Bộ Quốc phòng hằng năm đều được trích lại để dành cho xây dựng cơ bản, trong đó có xây dựng các công trình chiến đấu, các công trình bảo đảm cho bộ đội. Việc quản lý các công trình này được thực hiện như đầu tư công, trong khi nguồn vốn từ ngân sách Quốc phòng thường xuyên (mà theo quy định, cứ đến 31-12 hằng năm sẽ cắt, kể cả khi không giải ngân hết nguồn kinh phí). Do đó, Thượng tướng Phan Văn Giang đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận việc quản lý các dự án công trình trên theo Luật Đầu tư công và được luân chuyển ngân sách từ năm này sang năm sau để bảo đảm có kinh phí thực hiện.

 Thượng tướng Phan Văn Giang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Thượng tướng Phan Văn Giang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đồng tình với quan điểm ưu tiên cho quốc phòng. Về phân bổ ngân sách, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đồng tình với nguyên tắc Chính phủ đưa ra nhưng đề nghị cần rà soát lại và có danh mục cụ thể, để những dự án nào đã đầu tư thì không nên kéo dài quá, dẫn đến hiệu quả thấp. Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dẫn chứng, dự án tuyến đường Trường Sơn Đông (đi qua 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên) dài 657km mà Bộ Quốc phòng đang thực hiện đã được giao thực hiện từ năm 2005, đến nay đã kéo 13 năm vẫn chưa hoàn thành, mặc dù việc thi công của Bộ Quốc phòng rất tốt. “Trong khi đây là tuyến đường huyết mạch, đặc biệt quan trọng về vấn đề quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội”, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.

“Theo dự kiến, đến năm 2015 xong tuyến đường này nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, hiệu quả như vậy rất thấp. Tuyến đường này không nối thông thì không có tác dụng về kinh tế. Tôi đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để tập trung vốn ưu tiên cao nhất, phân bổ tối đa nguồn dự phòng trái phiếu Chính phủ cho dự án này, để toàn bộ tuyến đường này đến năm 2020 hoàn thành toàn tuyến”, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Trong dự phòng của Trung ương về đầu tư công thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra nguyên tắc, tiêu chí thứ tự ưu tiên, giao Chính phủ điều hành, trong đó có phần vốn dành cho quy hoạch, xây dựng các dự án trong giai đoạn tới. Nhấn mạnh công trình mới phải thực sự cấp bách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị lưu ý các công trình giao thông ở các vùng khó khăn, đặc biệt ở phía Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, những khoản chi cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh cũng nên ưu tiên. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Quốc phòng phải quản lý theo đúng luật và tính chất chi thường xuyên hoặc xây dựng cơ bản.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao cố gắng của Chính phủ trong thực hiện nghị quyết về đầu tư công trung hạn (2016-2020). Đây là bước chuyển tích cực theo hướng đổi mới và cơ cấu lại đầu tư công. Mặc dù mới triển khai, còn một số vướng mắc, song đầu tư công 3 năm qua đã có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng vốn đầu tư của Nhà nước giảm xuống còn 34,8%; hiệu quả đầu tư được cải thiện một bước, bước đầu khắc phục được tình trạng quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chưa phù hợp, tùy tiện, giảm nợ đọng cơ bản, quản lý chặt vốn ứng trước và phân bổ hằng năm; đầu tư và phân bổ có tầm nhìn dài hạn; kỷ luật, kỷ cương tài chính về đầu tư công đi vào nề nếp. Dù giải ngân có khó khăn nhưng điều này cũng tạo ra sự thận trọng hơn, chặt chẽ trong quản lý đầu tư công.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy cân đối nguồn lực mới bảo đảm 53% nhu cầu, lựa chọn ưu tiên và thủ tục đầu tư còn bất cập, phân bổ còn chậm, bố trí nguồn vốn chưa hợp lý, điều chỉnh kế hoạch có mặt chưa kịp thời, còn nhiều vướng mắc; kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng cơ bản chưa thực sự nghiêm... Về kiến nghị điều chỉnh bổ sung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội theo hướng giữ nguyên trần đầu tư công 2 triệu tỷ đồng, gắn với kế hoạch bội chi 5 năm cũng như trần nợ công và không thay đổi mục tiêu này. Tuy nhiên trần đầu tư công không bao gồm khoản tăng thu; điều chỉnh giảm nguồn vốn bố trí cho công trình trọng điểm quốc gia từ 80.000 tỷ xuống 70.000 tỷ đồng, dành 10.000 tỷ đồng cho dự án quan trọng, chống sạt lở...

THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/uu-tien-cac-khoan-chi-cho-linh-vuc-quoc-phong-an-ninh-552101