Ưu tiên cho quốc sách

Lễ khai giảng phải tổ chức ngắn gọn, súc tích, tiết kiệm; diễn văn khai giảng của hiệu trưởng yêu cầu ngắn gọn, không báo cáo thành tích; tổ chức các sinh hoạt tập thể tươi vui, sinh động…

Đó là chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM trong văn bản ngày 23-8 với các trường về việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Trong nhiều năm qua, điểm son đáng ghi nhận của ngành giáo dục TP là luôn chú trọng kết quả thực chất. Điều này cũng thể hiện rõ qua sự mạnh dạn trong chủ trương, như đề xuất biên soạn sách giáo khoa, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT, không triển khai sử dụng bộ sách "Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục"… Những việc làm này càng được phụ huynh học sinh và người dân TP tán đồng, tin tưởng…

Trước thềm năm học mới, đẹp biết bao hình ảnh những người thầy tại điểm trường Nà Ui của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cõng bàn qua suối. Do chuyển chỗ học cho các em từ điểm lẻ sang điểm chính cách 7 km, các thầy chở bằng xe máy, đến đoạn suối, các thầy phải cõng bàn qua suối. Không yêu nghề giáo, không quý học trò, các thầy cô không thể làm những việc này.

Bên cạnh những trường lớp khang trang ở các đô thị, các vùng kinh tế phát triển, nhiều vùng sâu, vùng xa trên đất nước ta còn rất nhiều trường lớp xập xệ, thầy và trò đến lớp với bụng chưa no cơm, áo chưa đủ ấm. Nhưng nơi khó khăn nhất vẫn có được mái trường và tiếng vui đùa của các em, nụ cười và những ánh mắt của thầy cô, của các em không chỉ đem đến sự xúc động, khâm phục về ý chí của những người thầy mà còn là niềm tin về một ngày mai tươi sáng hơn cho các em…

Những ngày qua, mưa lũ hoành hành nhiều vùng cao ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng. Lũ quét và sạt lở đất khiến Trường Tiểu học Tà Hộc (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) bị cô lập suốt 1 tuần, các thầy cô phải ăn gạo mốc, rau rừng, cùng bộ đội, người dân trong xã dọn dẹp bùn đất để kịp làm lễ khai giảng tại điểm trường chính. Tại 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, có trường sẽ không thể tổ chức ngày khai giảng bởi mưa lũ phá hủy nhiều phòng học, có nơi học sinh phải học tạm trong trụ sở các cơ quan địa phương trong khi chờ dựng lại trường. Những gian khổ đó được thấu hiểu, sẻ chia, thầy trò sẽ cùng vượt qua với rất nhiều nghị lực.

Vì vậy, ngày khai giảng trên cả nước vẫn là ngày hội, diễn ra trong tình cảm của cả nước, của xã hội dành cho các thầy cô, các học sinh. Truyền thống hiếu học của người Việt, sự quan tâm của Đảng và nhà nước, xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu với các chủ trương cụ thể đã tạo ra những dấu ấn, thành tựu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, cần cấp bách, quyết liệt đổi mới hơn nữa ngành giáo dục, trong dạy và học, thi cử, nâng chất lượng đào tạo… Phải tiếp tục những ưu tiên, dồn sức cho sự nghiệp trồng người, dành những gì tốt đẹp nhất cho các em học sinh - những người góp sức dựng xây đất nước sau này.

THÔNG ĐẠT

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/uu-tien-cho-quoc-sach-20180904222325689.htm