Ưu tiên chuyển giao công nghệ vào nông nghiệp

Sự quan tâm, chỉ đạo của nhà nước trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều cá nhân, tổ chức nghiên cứu trong lĩnh vực này đạt được thành tựu to lớn.

Nằm trong Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Dự án "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn - hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long" do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long chủ trì đã hoàn thành xuất sắc việc xây dựng kỹ thuật thâm canh, trong đó giảm được 50% nhu cầu về hạt giống lúa cho gieo cấy mà vẫn đảm bảo được năng suất cao.

 KH&CN được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp

KH&CN được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Hay, Dự án "Công nghệ sản xuất vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc" do Công ty Cổ phần phát triển Công nghệ nông thôn chủ trì, đã thành công trong việc tạo ra giống gốc để sản xuất vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc ở Việt Nam và chế tạo vắc xin vô hoạt nhũ dầu phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng - bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở gia súc. Dự án này dự kiến sẽ giải quyết được bệnh cho khoảng 20.000 gia súc mỗi năm, giảm hàng trăm tỷ đồng nhập khẩu vắc xin hàng năm.

Một ví dụ khác có thể kể đến là Dự án "Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên", với ưu điểm so với nuôi trong môi trường tự nhiên là kiểm soát môi trường nuôi, kể cả chất thải ra môi trường; hạn chế dịch bệnh; tăng tỷ lệ sống và giảm thời gian nuôi; năng suất cao góp phần thực hiện kế hoạch quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.

Có thể nói, những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật đã tác động tích cực vào lĩnh vực nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị năng suất chất lượng sản phẩm. Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&CN - ông Trần Văn Tùng - nhấn mạnh, trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đã góp phần vào thành công của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia hỗ trợ theo chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia, chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến, bảo quản, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, giúp cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng miền cả nước, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khu sản xuất tập trung quy mô lớn công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như VietGAP, Global GAP... được nhân rộng. Năm 2019, diện tích được chứng nhận VietGAP là 39.300 ha, nâng tổng diện tích chứng nhận VietGAP lên 119.584 ha. Đặc biệt, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 30% thông qua sử dụng các giống có năng suất, chất lượng và quy trình sản xuất tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thời gian tới, Bộ KH&CN ưu tiên thực hiện nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; đầu tư nâng cao năng lực cho các tổ chức KH&CN nông nghiệp, xây dựng một số viện thuộc ngành nông nghiệp thành các tổ chức KH&CN mạnh ngang tầm khu vực; phát triển các chương trình nông nghiệp công nghệ cao có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân có tiềm lực về tài chính…

Theo thống kê, KH&CN hiện đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uu-tien-chuyen-giao-cong-nghe-vao-nong-nghiep-132719.html