Ưu tiên đầu tư hệ thống cảng cá để gỡ thẻ vàng IUU

Đầu tư cho hạ tầng cảng cá sẽ giúp bảo đảm truy xuất nguồn gốc hải sản; cập nhật dữ liệu nghề cá về số tàu cập cảng, sản lượng bốc dỡ qua cảng. Việc này trước mắt để sớm gỡ được thẻ vàng IUU, về lâu dài để phát triển nghề cá hiện đại bền vững.

Chưa được đầu tư đồng bộ

Theo Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định Cao Thị Kim Lan, một thực trạng ảnh hưởng đến tiến độ gỡ thẻ vàng IUU và mục tiêu phát triển bền vững nghề cá là các cơ sở hạ tầng nghề cá ở các tỉnh, thành phố ven biển xuống cấp, công suất thấp, thậm chí thiếu an toàn.

Cần đầu tư xứng tầm cho hệ thống cảng cá góp phần gỡ thẻ vàng IUU. Nguồn: ITN

Cần đầu tư xứng tầm cho hệ thống cảng cá góp phần gỡ thẻ vàng IUU. Nguồn: ITN

Phần lớn cảng chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ kho lạnh, nhà điều hành, nhà phân loại cá, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải... Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp quản lý tàu thuyền, chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn. “Nếu cơ sở hạ tầng nghề cá không được đầu tư nâng cấp và cải thiện thì sẽ khó gỡ "thẻ vàng" IUU và không thể chuyển ngành thủy sản từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có tránh nhiệm, hội nhập khu vực và quốc tế”, bà Lan nói.

Ðể gỡ thẻ vàng IUU, Cà Mau xác định quy hoạch, đầu tư nâng cấp các cảng cá là vấn đề quan trọng. Hiện, tỉnh được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác 5 cảng cá Cà Mau, Sông Ðốc, Cái Ðôi Vàm, Rạch Gốc và Hố Gùi. Năng lực bốc dỡ đáp ứng 350 tàu cập cảng/ngày đêm; công suất thiết kế hơn 118.000 tấn/năm; sản lượng hàng hóa qua cảng khoảng 90.000 tấn/năm. Tỉnh có 3 khu neo đậu tránh trú bão với tổng sức chứa 2.600 tàu cá. Ngoài ra, tỉnh đang mời gọi đầu tư theo chủ trương xã hội hóa dự án Cảng cá Khánh Hội kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão diện tích 3ha.

Tuy vậy, việc quản lý cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn nhiều khó khăn như năng lực xếp dỡ hàng hóa tại các cảng cá chỉ định còn hạn chế; việc xếp dỡ hàng hóa chưa được cơ giới hóa; vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và an ninh trật tự tại cảng cá không được bảo đảm. Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý, vận hành cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão thiếu về cả chất và lượng…

Tỉnh Quảng Nam cũng chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá nhưng các cảng cá lại chưa đáp ứng được các tiêu chí về vị trí để thu hút các tàu cá cập cảng; chưa đáp ứng được tiêu chí về diện tích vùng đất, vùng nước trước cảng... Nguyên nhân chính là do nhu cầu là nguồn lực tài chính đầu tư còn hạn chế.

Cần có kế hoạch cho trước mắt và lâu dài

Đề án phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 xác định nhiệm vụ số 2 là: đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cảng cá, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm soát tàu cá và truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác tại cảng cá, phòng, chống khai thác IUU.

Bà Cao Thị Kim Lan cho rằng, quy định chống khai thác bất hợp pháp không còn là yêu cầu riêng của EU mà đã trở thành yêu cầu của cả các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản,… Nếu Việt Nam bị cảnh báo thẻ đỏ thì không chỉ mất thị trường EU với giá trị xuất khẩu hải sản trên 500 triệu USD mỗi năm mà còn tổn thất hơn nữa về thương mại thủy sản cũng như uy tín tại các thị trường khác.

Do đó, cần có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá vì cả mục tiêu trước mắt và lâu dài. Doanh nghiệp chế biến hải sản cần cải tiến nhanh cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền, khai thác làm sao để hệ thống cơ sở dữ liệu của 28 tỉnh, thành phố ven biển phải liên thông nhau, giúp cho việc quản lý, tra cứu thuận tiện và nhanh hơn. Quy trình xác nhận - chứng nhận hải sản khai thác cần được số hóa để giải quyết nhanh và hiệu quả thủ tục này ở các địa phương.

Ngoài ra, Chính phủ và các địa phương cần khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư hạ tầng cho cảng cá, trang thiết bị, dịch vụ hậu cần không chỉ cho ngành khai thác mà kể cả lĩnh vực nuôi trồng và hậu cần để góp phần phát triển chuỗi cung ứng thủy sản bền vững và hiệu quả.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh, đầu tư cho hạ tầng cảng cá về trước mắt là gỡ thẻ vàng nhưng về lâu dài là phát triển nghề cá hiện đại, bền vững. Các tỉnh, thành phố cần ra soát lại công tác quản lý cảng cá; bố trí vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống các cảng cá. Bố trí kinh phí duy tu, nạo vét luồng lạch các cảng cá để tàu cá ra vào cảng an toàn, đáp ứng điều kiện về cảng cá theo Luật Thủy sản. “Việc khuyến khích tư nhân đầu tư là tốt nhưng muốn hiệu quả cần phải có một khung luật pháp phù hợp, hài hòa lợi ích mới thu hút được đầu tư”, vị này nhấn mạnh.

Đối với nâng cấp hệ thống cảng cá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đang dành nguồn vốn đầu tư công trung hạn để đầu tư, nâng cấp, kiện toàn cơ sở hạ tầng thủy sản, nhất là các cảng cá. Một nguồn lực khác là vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB). Bộ cũng đang cùng với các tỉnh, thành rà soát triển khai Dự án “Phát triển thủy sản bền vững nhằm nâng cấp hạ tầng nói chung, cảng cá nói riêng phục vụ Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/uu-tien-dau-tu-he-thong-cang-ca-de-go-the-vang-iuu-i325925/