Ưu tiên giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Đề án). Đề án đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến giải trình một số vấn đề đại biểu còn băn khoăn về Đề án, tại phiên thảo luận ngày 1-11-2019. Ảnh: Đức Nghĩa

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến giải trình một số vấn đề đại biểu còn băn khoăn về Đề án, tại phiên thảo luận ngày 1-11-2019. Ảnh: Đức Nghĩa

Bên lề Kỳ họp thứ 8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, sau khi được Quốc hội phê duyệt Đề án, quá trình tổ chức thực hiện sẽ bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, có sự giám sát và thực hiện của người dân, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thu gọn đầu mối, giảm thủ tục hành chính, lấy đồng bào là chủ thể.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi được thực hiện một cách toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp đồng bào hòa nhập, phát triển cùng với đất nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển vùng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; thúc đẩy đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm bình đẳng giới. Đặc biệt, phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Về các mục tiêu cụ thể của Đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hằng năm giảm trên 3%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% hộ dân được sử dụng điện; 90% số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học đạt trên 97%, học trung học cơ sở đạt trên 95%, học phổ thông trung học trên 60%; 98% dân số DTTS tham gia bảo hiểm y tế; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân. Đồng thời, bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 15%.

Nghị quyết định hướng mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; phấn đấu có 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào. Quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ dân DTTS đang cư trú phân tán, rải rác, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở.

Để Đề án được thực hiện có hiệu quả từ năm 2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, sau khi Quốc hội phê duyệt Đề án, Chính phủ đã rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi và chính sách dân tộc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp. Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9 để thực hiện từ năm 2021.

Trước đó, trong quá trình thảo luận Đề án, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đến nay, có 118 chính sách pháp luật liên quan đến DTTS và miền núi đã ban hành và còn hiệu lực, nhưng thiếu tính thống nhất, đồng bộ, còn dàn trải, chồng chéo, chậm được tích hợp, lồng ghép và do nhiều bộ, ngành quản lý phân tán theo từng lĩnh vực. Đề án được thực thi sẽ tích hợp được các chính sách, tạo bước đột phát cho phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vùng DTTS, miền núi.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Phước Lộc, đại biểu Cao Thị Giang (tỉnh Quảng Bình) cho rằng, Đề án cần chú trọng kích thích nội lực của người dân vùng DTTS, tránh việc làm hộ, làm thay. Để đạt được mục đích, hiệu quả nêu trên thì điều quan trọng là chú trọng quan tâm vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông. Các dự án đầu tư nhằm tạo cơ hội phát triển, các phương án phát triển sản xuất. Khi điều kiện sống của đồng bào đã được đáp ứng một cách cơ bản thì các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cần chú trọng sâu vào nhóm hỗ trợ sinh kế và giáo dục. Đặc biệt, tập trung nguồn lực cho vùng đồng bào DTTS, tránh tình trạng nguồn lực bị phân tán, dàn trải.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/uu-tien-giai-quyet-tinh-trang-thieu-dat-o-dat-san-xuat-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so/