Ưu tiên một số công trình giao thông bức xúc tại Cà Mau

Chiều 25-9, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác của Bộ đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau về thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông vận tải tại địa phương.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại cuộc họp.

Báo cáo nhanh với đoàn công tác của Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT), Phó Chủ tịch UBND Cà Mau tỉnh Lâm Văn Bi cho biết, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT. Đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thành quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, hiện còn một quy hoạch đang hiệu chỉnh theo ý kiến của Bộ GTVT. Ngoài nguồn ngân sách, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng còn được huy động bằng các hình thức, như: đối tác công tư; dự án đầu tư có sử dụng đất. Việc bảo trì, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn giao thông đường bộ, cũng như quản lý cấp phép thi công, cấp phép phương tiện lưu hành quá khổ, quá tải đúng theo quy định…

Cà Mau có 16 đề xuất, kiến nghị tới Bộ GTVT và T.Ư, trong đó có một số công trình trọng điểm bức xúc, như: Đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A, đoạn qua TP Cà Mau; tuyến nối từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu dự án đường hành lang ven biển phía nam; nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 63 đoạn nội ô thành phố Cà Mau...

Đồng tình cao với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Cà Mau nhưng theo Bộ trưởng GTVT, phải ưu tiên chọn lựa những công trình trọng điểm và thật sự bức xúc chứ không thể thực hiện hết vì còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Với ba công trình trọng điểm bức xúc nhất của tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng GTVT cho biết đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đang chờ chủ trương phân khai vốn từ Quốc hội, Chính phủ.

Đối với dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn TP Cà Mau đến thị trấn Năm Căn; tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi…, Bộ trưởng GTVT giao cho các cơ quan trực thuộc Bộ nghiên cứu, cân đối ngân sách phân khai vốn để sớm triển khai, hoặc đưa vào danh mục báo cáo Thủ tướng và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn tiếp theo.

Được biết, trên địa bàn bàn tỉnh có hơn 10.000km chiều dài sông, rạch. Trong đó có khoảng 626 km có thể bảo đảm cho phương tiện thủy từ mười tấn trở lên lưu thông (14 tuyến do T.Ư quản lý, tổng chiều dài hơn 296km; 15 tuyến còn lại do tỉnh quản lý, dài hơn 362km), số còn lại là kênh, rạch nhỏ chủ yếu phục vụ sản xuất.

Trên lĩnh vực giao thông bộ, toàn tỉnh có hơn 219km đường quốc lộ được nhựa hóa; hơn 284km đường tỉnh lộ đã nhựa hóa đạt hơn 95%. Ngoài ra còn có trên 776km đường liên huyện mới nhựa hóa đạt 50,4%; hơn 5.113km đường giao thông kết cấu mặt đường bê tông và trên 211km đường đô thị đã láng nhựa hoặc thảm bê tông nhựa. Đến nay, Cà Mau có 81/82 xã có đường ô tô về tới trung tâm; 6 tuyến xe buýt và 7 bến xe từ loại 2 đến loại 6.

HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37727602-uu-tien-mot-so-cong-trinh-giao-thong-buc-xuc-tai-ca-mau.html