Ưu tiên mua sắm quốc phòng của Iraq là gì?

Giới phân tích nhận định Iraq đang tìm cách tăng cường tiềm lực quốc phòng, trong đó chú trọng vào an ninh trên bộ và biên giới.

Một số hãng tin tức trong khu vực gần đây loan tin Pakistan đã đạt thỏa thuận cung cấp các máy bay tiêm kích JF-17 Thunder cho Iraq. Hồi năm ngoái, trả lời phỏng vấn trang mạng Al-Arabiya, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Juma Inad từng tiết lộ nước này đang đàm phán với Pakistan về việc mua các máy bay nói trên. Tuy nhiên, trang mạng Breaking Defense mới đây dẫn nguồn tin Chính phủ Pakistan xác định thông tin lan truyền về việc Islamabad và Baghdad đạt thỏa thuận liên quan tới các máy bay JF-17 Thunder là không chính xác. Nguồn tin khẳng định, kể từ các cuộc thảo luận giữa Pakistan và Iraq hồi năm ngoái cho đến nay "không có tiến triển nào mới".

Theo chuyên gia Hashim Shubbar thuộc Trung tâm nghiên cứu Al-Bayan có trụ sở tại Baghdad, kể từ khi Mỹ đưa quân sang Iraq vào năm 2003, quốc gia này đã phải đối mặt với vô vàn thách thức hiện hữu. Các phong trào nổi dậy, nạn bạo lực sắc tộc, tôn giáo và gần đây nhất là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã khiến môi trường an ninh tại Iraq "liên tục xuống cấp". Vì vậy, Chính phủ Iraq buộc phải quan tâm tới việc mua sắm các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại quan trọng. "Nỗ lực mua sắm quốc phòng đóng vai trò quan trọng đối với việc tăng cường an ninh quốc gia của Iraq. Các mối đe dọa an ninh mà Iraq phải đối mặt tiếp tục trở nên phức tạp hơn khi tình hình trong nước và quốc tế có những thay đổi nhanh chóng", chuyên gia Shubbar nêu rõ.

Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là trong vòng một thập niên qua, ngân sách quốc phòng của Iraq "lên xuống thất thường". Nguyên nhân chủ yếu, theo chuyên gia Shubbar, là do vòng luẩn quẩn của môi trường an ninh bất ổn làm suy yếu nền kinh tế vốn gần như phụ thuộc vào dầu mỏ, từ đó tạo sức ép lớn đối với việc phân bổ ngân sách cho lĩnh vực quốc phòng.

Lực lượng chống khủng bố của Iraq trong một chiến dịch an ninh. Ảnh: Al-Ain News

Chuyên gia phân tích quốc phòng Adnan Al Kenany-một tướng quân đội Iraq đã nghỉ hưu-cho biết nhu cầu mua sắm vũ khí của Iraq do Cơ quan tình báo quốc gia và Cơ quan tình báo quân sự xác định. Đây là hai cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá các mối đe dọa đối với an ninh của Iraq. Theo trang mạng Breaking Defense, giới phân tích đánh giá trong bối cảnh hiện nay, các máy bay tiêm kích như JF-17 Thunder không phải là ưu tiên mua sắm quốc phòng hàng đầu của chính phủ nước này.

Theo nghiên cứu viên cao cấp Daniel Byman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), các ưu tiên cấp bách nhất hiện nay của Iraq liên quan tới các mối đe dọa trong nước tuy rằng gần đây Iraq có chứng kiến một số vụ xâm phạm không phận của các máy bay không người lái. Iraq vẫn phải đối mặt với các rủi ro an ninh liên quan tới IS cũng như nguy cơ bất ổn do mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo. "Các mối đe dọa từ bên ngoài xếp ở vị trí thấp hơn nhiều xét về các ưu tiên nói chung... Đối với quân đội Iraq, cách sử dụng tốt nhất mọi nguồn ngân sách bổ sung cho quốc phòng là chi cho huấn luyện, hậu cần, tình báo và các khía cạnh ít phô trương khác nhưng thiết yếu cho một đội quân mạnh", ông Byman nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm về mối đe dọa IS, ông Norman Ricklefs, cựu cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Iraq, hiện là người đứng đầu hãng tư vấn NAMEA Group có trụ sở tại New York (Mỹ) cũng nhận định khả năng tổ chức khủng bố này trỗi dậy tại Iraq "luôn có thể xảy ra". Vì vậy, những gì mà Iraq cần là "phương tiện chiến đấu bộ binh để đáp ứng nhu cầu an ninh trong nước, đặc biệt khi IS vẫn còn là một mối đe dọa". Trong khi đó, chuyên gia quốc phòng Ahmad Al Sherifi của Iraq cho rằng do năng lực tài chính có hạn, Baghdad cần các máy bay không người lái phục vụ các mục đích trinh sát và chiến đấu. "Các máy bay không người lái có chi phí rẻ hơn các hệ thống vũ khí khác và có thể lấp đầy khoảng trống", trang mạng Breaking Defense dẫn lời chuyên gia Al Sherifi.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/uu-tien-mua-sam-quoc-phong-cua-iraq-la-gi-736047