Ưu tiên nguồn lực cho các huyện miền núi

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, ưu tiên dành nhiều nguồn lực để đầu tư cho các huyện miền núi phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào.

Cầu treo xã Xuân Cẩm (Thường Xuân) được đầu tư xây dựng góp phần thúc đấy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.

Minh chứng rõ nét nhất được thể hiện qua sự phát triển và đổi thay mạnh mẽ ở 11 huyện miền núi trong tỉnh. Đó là, hàng loạt cơ sở hạ tầng ở các xã miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống dân sinh, nhất là hệ thống đường giao thông, điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế... Điển hình là hệ thống đường giao thông nối liền các huyện phía Tây của tỉnh với chiều dài khoảng 350km được đầu tư xây dựng, như tuyến đường từ bản Na Tao, xã Pù Nhi đi bản Chai, xã Mường Chanh (Mường Lát); nâng cấp, mở rộng đường Hồi Xuân – Tén Tằn, Quốc Lộ 217, Quốc lộ 47; nâng cấp, cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã và liên xã... hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi quan trọng, như: Hồ Vụng Vả (Cẩm Thủy), hồ Rẫy Cồ, hồ Khe Thoong (Như Thanh); đập Bù Đàn, Hón Đang (Lang Chánh)... Duy tu, bảo dưỡng hơn 250 công trình phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; hỗ trợ cho hơn 60 hộ/200 khẩu định canh, định cư ổn định. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho gần 3 nghìn hộ nghèo thiếu nước sinh hoạt... Đến nay, 100% các xã miền núi có đường ô tô tới trung tâm; thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa đạt 75%; 87% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã được dùng lưới điện quốc gia, có mạng dẫn cáp quang và được phủ sóng thông tin di động...

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng được tỉnh quan tâm, như: Chính sách vay vốn; hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách đối với người có uy tín, các đề án tuyên truyền pháp luật cho vùng dân tộc thiểu số... Đến nay, đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho hơn 90 nghìn hộ nghèo, cận nghèo để mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón các loại. Hỗ trợ trực tiếp cho hơn 1,2 triệu nhân khẩu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; tạo điều kiện cho hơn 4 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Thực hiện chính sách đối với người có uy tín cho gần 10 nghìn lượt người... Các chính sách được thực hiện có hiệu quả góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các đồng bào dân tộc miền núi xứ Thanh.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2014-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 8 đề án để thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho vùng dân tộc và miền núi. Trong đó có 5 đề án đã được bố trí 42 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh để thực hiện đầu tư 30 công trình giao thông, nhà văn hóa...

Từ những việc làm cụ thể, thiết thực trên nhiều lĩnh vực, làm cho bộ mặt nông thôn miền núi tỉnh ta chuyển biến rõ nét, kinh tế phát triển, các hủ tục từng bước được đẩy lùi; khoa học - kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, phát huy thế mạnh của từng vùng, miền, từng địa phương, góp phần nhân lên niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đối với đồng bào các dân tộc; qua đó đã góp phần quan trọng trong bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

Bài và ảnh: Xuân Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/uu-tien-nguon-luc-cho-cac-huyen-mien-nui/111710.htm