Ưu tiên những dự án cấp bách

TP HCM cần rà soát các dự án giao thông trọng điểm, đánh giá tác động, xác định thứ tự ưu tiên để cân đối, bố trí vốn đầu tư hiệu quả

Ngày 15-9, Thường trực HĐND TP HCM tổ chức phiên giải trình về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn TP HCM. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, chủ trì phiên giải trình.

Thêm nhiều điểm nguy cơ

Theo ông Nguyễn Thành Lợi, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động giao thông vận tải (GTVT), xử phạt vi phạm qua hình ảnh được chú trọng triển khai, đặc biệt là xử lý vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định trên các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố.

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận tại phiên giải trình về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn TP HCM

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận tại phiên giải trình về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn TP HCM

Công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống cầu, đường bộ, chiếu sáng công cộng, các dự án công trình trọng điểm được quan tâm thực hiện kịp thời, có hiệu quả. Công tác ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động GTVT tiếp tục được chú trọng.

Ông Lợi cho biết tình hình tai nạn giao thông trong năm 2022 của TP HCM tăng so với cùng kỳ năm 2021, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm trên 10% cả 3 mặt. Dù vậy, tính bền vững chưa cao, còn tiềm ẩn nguy cơ nếu không có giải pháp quyết liệt.

Tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn TP HCM có chiều hướng gia tăng trở lại, một số tuyến đường ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái, các tuyến đường cửa ngõ TP HCM quá tải vào giờ cao điểm. Thành phố cũng phát sinh nhiều điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Đường vừa làm đã đào

Tại phiên giải trình, ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, đề nghị các đơn vị liên quan giải trình về tình trạng tái lập mặt đường sơ sài sau khi thi công. Ông Hùng dẫn chứng TP HCM vừa đầu tư, khai thác nhiều tuyến đường nhưng chưa bao lâu thì bị đào xới để thi công đường ống nước, dây điện, cáp… Công tác tái lập mặt đường sau đó thì thực hiện sơ sài khiến mặt đường nhấp nhô, giảm mỹ quan, chất lượng cũng như nguy cơ tai nạn lớn.

Về vấn đề này, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết sở và các ngành, địa phương đều có trao đổi về kế hoạch các dự án, kế hoạch đào đường cho năm sau. Tuy nhiên, một số ngành không bảo đảm được kế hoạch đã đề ra, nguyên nhân chính là do bố trí vốn và phê duyệt dự án đầu tư không đúng kế hoạch.

Cũng theo ông Hưng, trong công tác tái lập mặt đường còn có vai trò của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn. Việc giám sát công tác tái lập mặt đường còn hạn chế khi một số công trình thi công vào ban đêm… Về phía Sở GTVT, ông Hưng cho biết Trung tâm Quản lý giao thông đường bộ sẽ kiểm tra để bảo đảm chất lượng mặt đường khi nhận bàn giao.

Rà soát dự án trọng điểm

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường thông tin thời gian tới, thành phố tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuộc thẩm quyền của thành phố trong quá trình triển khai, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Thành phố sẽ quyết liệt xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu được giao phụ trách đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng lòng lề đường, vỉa hè không bảo đảm trật tự an toàn giao thông dẫn đến tai nạn giao thông.

Ông Bùi Xuân Cường cũng cho biết sẽ tập trung xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chính quy và tinh nhuệ. Theo ông, để làm được điều này, cần ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn thu xử phạt về giao thông, đấu giá biển số xe và các nguồn thu khác để tăng cường cho lực lượng CSGT. Ông cho rằng lực lượng này phải thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ nhận định công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố còn hạn chế. Những hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông còn có mặt bất cập.

Việc đầu tư cho hạ tầng giao thông và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác phối hợp tuyên truyền chưa thật sự đi vào chiều sâu, công tác chấn chỉnh, lập lại trật tự trong quản lý vỉa hè ở một số địa phương còn mang tính phong trào, thiếu sự đồng bộ, quyết liệt; nguồn vốn đầu tư phát triển ngành GTVT chưa đáp ứng nhu cầu giải quyết về vấn đề giao thông cho thành phố. Ngoài ra, ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt.

Để khắc phục những hạn chế, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố rà soát các dự án giao thông trọng điểm, đánh giá tác động, xác định thứ tự ưu tiên để cân đối, bố trí vốn đầu tư hiệu quả. "Ưu tiên các công trình giao thông mang tính cấp bách trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện. Riêng đối với đầu tư công, thành phố sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề thảo luận và bàn biện pháp cụ thể để đẩy mạnh công tác đầu tư công vào tháng 9-2023 này" - bà Nguyễn Thị Lệ lưu ý.

"Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè dù đã có chỉ đạo, ra quân lập lại trật tự vỉa hè nhưng hiệu quả chưa cao, chưa mang tính bền vững, lâu dài.

Tới cuối năm, xử lý 143 điểm bất hợp lý

Bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP HCM tập trung các giải pháp để kéo giảm, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

Với 143 trong tổng số 451 điểm mà cử tri đã kiến nghị điều chỉnh, khắc phục bất hợp lý về công tác tổ chức giao thông, bà Nguyễn Thị Lệ yêu cầu phải xử lý dứt điểm trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023.

Bài và ảnh: Lê Vĩnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/uu-tien-nhung-du-an-cap-bach-20230915220527195.htm