Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô

Ổn định kinh tế vĩ mô đã được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt và ưu tiên để tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, thể hiện rõ trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, trong nửa nhiệm kỳ qua, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp, nỗ lực thiết lập nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn.

Trước xu thế hội nhập và cạnh tranh gay gắt, Việt Nam càng cần phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô kết hợp với ổn định chính trị xã hội.

Mục tiêu xuyên suốt trong thời kỳ đổi mới

Kinh tế vĩ mô là những vấn đề bao trùm toàn bộ nền kinh tế như tổng sản phẩm quốc nội, lạm phát, thất nghiệp, tổng cung, tổng cầu, các chính sách kinh tế quốc gia, thương mại quốc tế… Ổn định kinh tế vĩ mô có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Có ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền mới tạo điều kiện thuận lợi để duy trì trật tự và thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, tăng trưởng kinh tế tạo nền tảng cho ổn định vĩ mô thông qua bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế như cân đối hàng tiền, tiết kiệm đầu tư; thu chi ngân sách Nhà nước, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, việc làm, thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội.

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, hơn 30 năm qua, chúng ta luôn xác định ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu xuyên suốt, được ưu tiên hàng đầu và là một trong những yêu cầu mang tính nguyên tắc đối với Nhà nước trong quản lý, điều hành nền kinh tế.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 do Đại hội X của Đảng thông qua đã nhấn mạnh: “Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức.”

Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2011-2015) được Đại hội XI của Đảng chỉ ra là “… Ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại...”

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình bày tại Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đã nhấn mạnh về nhiệm vụ tổng quát của phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2016-2020: “Phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”.

Nửa nhiệm kỳ ổn định kinh tế vĩ mô

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngay trong năm 2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, trong đó xác định mục tiêu tổng quát là: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...” .

Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, Chính phủ đều nhấn mạnh quan điểm phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 đã được Chính phủ xác định: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững…”.

Đầu năm 2018, Chính phủ tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...".

Hơn hai năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, dù phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, nhưng kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định. Đó là một trong những thành công lớn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa, thương mại, đầu tư, giá cả, thị trường đã góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Thị trường chứng khoán-“phong vũ biểu” của nền kinh tế tăng mạnh. Tăng trưởng kinh tế đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào các giải pháp kích cầu ngắn hạn và ngành khai khoáng, đạt mức cao nhất kể từ năm 2007, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và toàn cầu; trong đó các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu đều tăng trưởng khá, tạo việc làm, thu nhập và ổn định đời sống người dân.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,45%; quý II tăng 6,79%), là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Điều này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 6 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 6,90%, là mức tăng trưởng cao nhất 7 năm gần đây.

Xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,06%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,72%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,83%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2018 giảm 0,09% so với tháng trước. CPI tháng 7-2018 tăng 2,13% so với tháng 12-2017 và tăng 4,46% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 7-2018 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,41% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm nay tăng 1,36% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Kiên quyết, kiên trì giữ ổn định

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vào giữa tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tinh thần lớn nhất trong điều hành những tháng cuối năm nay vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, củng cố niềm tin thị trường, xã hội và doanh nghiệp; ngăn chặn nguy cơ tốc độ tăng trưởng đảo chiều, đồng thời thực hiện nhất quán yêu cầu về chất lượng đối với các mục tiêu tăng trưởng, cuộc sống và môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tính đến tháng 7 năm nay, các mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô vẫn đảm bảo sự ổn định, gồm tăng GDP, ổn định giá cả, tăng việc làm, giảm thất nghiệp, xuất khẩu ròng đều đạt kết quả tốt.

Để bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng lưu ý cần ổn định tỷ giá đồng Việt Nam theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017, không giảm lãi suất cho vay và thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm; không chạy trước đón đầu sự biến động của thị trường tài chính quốc tế như nhiều người kiến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể… Cần kiểm soát tốt biên giới, ngăn chặn hiệu quả hàng công nghệ thấp ồ ạt vào Việt Nam trong chiến tranh thương mại.

Với nhiều tín hiệu lạc quan từ quốc tế và trong nước, dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2018 và 2019 của Việt Nam tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không chủ quan trong bối cảnh tình hình biến đổi nhanh, khó dự báo với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Vì thế, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không tăng trưởng bằng mọi giá, cần sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những biến động tình hình quốc tế, trong nước để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, việc thực hiện chính sách tiền tệ cần thận trọng, hiệu quả; điều hành cung tiền và tăng trưởng tín dụng phù hợp, tránh gây sức ép lên lạm phát; thúc đẩy cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bảo đảm kỷ luật tài chính-ngân sách nhà nước ở tất cả các ngành, các cấp; quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế. Quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm khả năng trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công và tài chính quốc gia, không để nợ công là gánh nặng mà phải là công cụ thúc đẩy phát triển. Tập trung giải quyết hiệu quả bài toán phân bổ hợp lý nguồn lực trên phạm vi cả nước, từng ngành, vùng, địa phương. Thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng vi mô vững chắc cho ổn định vĩ mô.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/uu-tien-on-dinh-kinh-te-vi-mo-546077