Ưu tiên siết chặt kỷ luật, kỷ cương

Chúng ta vừa kỷ niệm 74 năm Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, cuộc cách mạng khởi đầu cho khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhớ lại những ngày Tháng Tám sục sôi khí thế cách mạng, ôn lại những bài học lịch sử của cuộc cách mạng kỳ vĩ trong lịch sử dân tộc và thế giới. Theo đó, bài học đầu tiên là, có đường lối đúng đắn. Thứ hai là, nắm bắt diễn biến tình hình chính xác. Thứ ba là, chủ động chuẩn bị để chớp thời cơ. Thứ tư là, sáng tạo trọng lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Bác. Thứ năm là, bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân,...

Trải qua hành trình 74 năm của nước Việt Nam mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được vận dụng linh hoạt, sáng tạo nên chúng ta đã lập nên nhiều điều kỳ diệu trên tất cả các mặt trận, cả đấu tranh vũ trang, ngoại giao, phát triển kinh tế, an sinh xã hội,...

Những năm gần đây, trên tinh thần Kỷ cương – Liêm chính – Hành động – Sáng tạo – Bứt phá – Hiệu quả nhằm tạo sự bứt phá, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn chỉ rõ những nhiệm vụ cụ thể và gợi ý những yêu cần, giải pháp rõ ràng đối với từng bộ ngành, địa phương. Làm việc với địa phương nào, bộ ngành nào, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải chủ động xây dựng thể chế pháp luật tốt nhất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bứt phá, loại bỏ ngay những quy định lạc hậu cản trở sự phát triển.

Vậy nhưng còn nhiều việc, nhiều chính sách vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên kiến tạo, dưới kiến bò”, “trên chủ động, dưới tà tà”, “trên mạnh mẽ, dưới chậm chạp”, “trên cụ thể, dưới chung chung”,...

Xin nêu ví dụ cụ thể nhất, gần đây nhất. Đó là việc xây dựng kế hoạch hành động thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực với nước ta từ ngày 14/01/2019. Vậy nhưng, sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định thực thi và yêu cầu các bộ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổng hợp, thời hạn đưa ra là 01/03/2019. Đến hạn chỉ có 10 bộ ngành và 32/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo về chương trình hành động. Phải đến lần gia hạn thứ ba mới có 27/28 bộ ngành và 62/63 địa phương có báo cáo. Rõ ràng là, nhiều bộ ngành, địa phương chưa có sự chủ động, chưa thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD và có thể tăng tới 2,01%; và có thể tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4%, tương đương 4,09 tỷ USD.

Vậy nhưng, tính toán đó dựa trên cơ sở chúng ta phải vào cuộc một cách tích cực, tức là các bộ ngành, địa phương phải sửa văn bản pháp luật, sửa quy định cho phù hợp và xây dựng kế hoạch sao cho tận dụng tốt nhất các điều kiện do hiệp định mang lại.

Tuy nhiên, do chậm trễ của các bộ ngành, địa phương nên việc vận dụng cơ hội của ta rất hạn chế (báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm đến nay, việc tận dụng ưu đãi thuế quan của hàng xuất khẩu Việt Nam sang các nước CPTPP rất thấp, chỉ đạt khoảng gần 1,2% tổng kim ngạch).

Nếu không tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do – FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP và EVFTA, chúng ta không thể vượt lên, thậm chí nguy cơ thua trên sân nhà, tụt hậu là rất rõ ràng.

Cộng đồng doanh nghiệp mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên siết chặt kỷ luật, kỷ cương để thúc đẩy các bộ ngành, địa phương tăng chủ động, tăng sáng tạo nhằm tạo bứt phá khi thời cơ đã có.

Mong rằng, các bài học từ thành công của Tổng khởi nghĩ Tháng Tám được các cấp chính quyền, các ngành chức năng nắm chắc và vận dụng sáng tạo để chúng ta có cuộc bứt phá mới.

Hiền Anh

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/uu-tien-siet-chat-ky-luat-ky-cuong-post30703.html