Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thanh Hóa

Chiều 17-9, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm, làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống thiên tai và lấy ý kiến đóng góp của tỉnh Thanh Hóa cho dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

Đồng chí Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội phát biểu tại buổi làm việc.

Thực hiện Pháp luật về phòng chống thiên tai, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng chống thiên tai, ban hành kế hoạch, hành động thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, lập quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thanh Hóa cũng đang tích cực triển khai các giải pháp phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, di rời các hộ dân sinh sống ở vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn. Hàng năm, UBND tỉnh đều tổ chức tổng kết, đánh giá và triển khai nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Giao chỉ tiêu vật tư phòng chống thiên tai cho các địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”. Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai được quan tâm thực hiện kịp thời thông qua việc lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách và toàn xã hội, qua đó đã góp phần nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân vùng ảnh hưởng. Công tác tu bổ, nâng cấp các tuyến đê được quan tâm thực hiện nhằm tăng cường đảm bảo an toàn cho các tuyến đê trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Việc thu và sử dụng quỹ phòng chống thiên tai được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi bổ sung 1 số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, tỉnh Thanh Hóa cơ bản thống nhất với những nội dung dự thảo. Tuy nhiên, để những quy định của luật khi đi vào thực hiện phát huy hiệu lực, hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa đề nghị luật cần quy định cụ thể, rõ ràng về việc thu, sử dụng và công khai quỹ phòng chống thiên tai. Việc thành lập quỹ cần phải thực hiện ở cả cấp trung ương để kịp thời ứng phó nhanh với thiên tai lớn trong cả nước hoặc thảm họa thiên tai. Hiện một số loại hình thiên tai, một số lực lượng tham gia phòng chống thiên tai chưa được quy định trong luật, do đó dự thảo luật sửa đổi bổ sung cần quy định đầy đủ hơn tạo cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện. Đối với luật Đê điều, đề nghị luật quy định cho phép xây dựng các công trình tạm, có quy mô nhỏ ở bãi sông để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và điều hành các bãi kinh doanh cát sỏi ở bãi sông.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền phát biểu giải trình một số nội dung.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã báo cáo giải trình và làm rõ thêm về kết quả cũng như bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, đồng bộ cơ chế chính sách của tỉnh để điều chỉnh cho phù hợp; tiếp tục rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, kịch bản, phương án phòng, chống thiên tai; tập trung kiện toàn hệ thống phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp; thực hiện phân vùng cảnh báo, dự báo, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; tăng cường công tác chỉ đạo điều hành thống nhất trong cả hệ thống chính trị về công tác phòng, chống thiên tai; huy động lồng ghép các nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ kịp thời nhân dân bị thiệt hại do thiên tai mưa lũ.

Tại buổi làm việc, tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ cần sớm hoàn thiện các các chính sách pháp luật về phòng chống thiên tai; công tác quản lý, sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời hỗ trợ địa phương đầu tư thêm mạng lưới, thiết bị dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện miền núi; xây dựng hệ thống bản đồ phân vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt để ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra; tiếp tục bố trí nguồn kinh phí để nâng cấp, kiên cố hệ thống đê điều, hồ đập, các công trình trọng điểm xung yếu về phòng chống thiên tai. Đề nghị Chính phủ xem xét cấp cho tỉnh Thanh Hóa 1 tàu cứu hộ có công suất lớn để thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn trên biển…

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.

Thay mặt đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đồng chie Nguyễn Vinh Hà đánh giá cao việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp của tỉnh Thanh Hóa cho dự thảo luật sửa đổi bổ sung 1 số Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều để nghiên cứu, hoàn thiện những nội dung của dự thảo.

Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/uy-ban-khoa-hoc-cong-nghe-va-moi-truong-cua-quoc-hoi-lam-viec-tai-tinh-thanh-hoa/107652.htm