ỦY BAN PHÁP LUẬT GÓP Ý DỰ THẢO QUY CHẾ HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND

Sáng 31/8 tại nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp Thường trực mở rộng, cho ý kiến vào Dự thảo Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn khắc Định chủ trì phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Đặng Ngọc Huy…

Thay mặt ban soạn thảo đề án, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Đặng Ngọc Huy – Phó Trưởng ban soạn thảo, trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Sự cần thiết ban hành hướng dẫn

Theo Tờ trình, từ đầu nhiệm kỳ 2016 – 2021 đến nay, HĐND các cấp đã có nhiều cố gắng trong đổi mới cả về tổ chức và phương thức hoạt động để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân còn có những nội dung quy định chung chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng hoặc có nhưng nội dung chưa được Luật quy định. Do vậy còn gây khó khăn trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện như: cách thức, trình tự thực hiện một số hoạt động tại kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND, hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND; việc bầu chức danh Ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; việc sử dụng con dấu của các ban của HĐND; hay các quy định về tổ chức các đoàn giám sát… Thường trực HĐND nhiều tỉnh, thành phố đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy định về tổ chức và hoạt động của HĐND.

Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Đặng Ngọc Huy – Phó Trưởng ban soạn thảo, trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Xuất phát từ những thực tế nêu trên, việc ban hành Quy chế hướng dẫn tổ chức hoạt động của HĐND là thực sự cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay về hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản luật liên quan đến quá trình tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Nội dung cơ bản của Dự thảo quy chế

Dự thảo Quy chế gồm 3 chương, 48 điều. Cụ thể:

Chương 1: Hội đồng nhân dân (từ Điều 1 đến Điều 17), quy định về một số nội dung liên quan đến kỳ họp HĐND; trình tự thủ tục thực hiện nhiệm vụ của HĐND.

Chương 2: Thường trực Hội đồng nhân dân (từ Điều 18 đến Điều 25), quy định một số nội dung đến hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND, thẩm quyền của Thường trực HĐND trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của HĐND và một số vấn đề liên quan đến tổ chức nhân sự của Ban của HĐND, một số ddieuf kiện đảm bảo hoạt động cho Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND.

Chương 3: Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (từ Điều 26 đến Điều 48), quy định một số nội dung liên quan đến hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND, hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND, hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND và hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND.

Chỉ nên ban hành nghị quyết hướng dẫn

Góp ý về Dự thảo Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao ban soạn thảo và tán thành sự cần thiết phải sớm ban hành hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND, tập trung vào những vấn đề bức xúc mà thực tiễn đang đặt ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cân nhắc không nên ban hành Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND với tính chất một văn bản Quy phạm pháp luật như Quy chế hoạt động của HĐND mà chỉ nên ban hành văn bản hướng dẫn một số vấn đề về hoạt động của HĐND, trong đó chỉnh sửa, bãi bỏ những hướng dẫn trước đây mà không còn phù hợp với thực tế.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nhận thấy, về dự thảo quy chế quy định về hoạt động giám sát của HĐND cần phải được cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, nhất là trong điều kiện cơ cấu tổ chức và tính chất hoạt động của HĐND ở 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) có những điểm đặc thù khác nhau. Việc thiết kế trình tự, thủ tục hoạt động giám sát để áp dụng chung có cả 3 cấp HĐND sẽ khó tránh khỏi những bất cập nhất định.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan lấy ý kiến của Chính phủ vào dự thảo, hoàn thiện hồ sơ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian sớm nhất./.

Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=37074