Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 8

Sáng 9.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã họp phiên toàn thể lần thứ 8 thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy chủ trì phiên họp.

Về phía các cơ quan của Chính phủ tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy chủ trì phiên họp

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, qua khảo sát lấy ý kiến, nhiều cơ quan, tổ chức và địa phương cho rằng một số tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị quy định tại Nghị quyết số 1210 là khá cao đối với đô thị thuộc địa bàn có yếu tố đặc thù. Nếu vẫn giữ nguyên các tiêu chí, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số như hiện hành mà không tính đến yếu tố đặc thù theo vùng miền thì khó có thể đạt mục tiêu đến năm 2025 số lượng đô thị toàn quốc khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 đạt khoảng 1.000 - 1.200 đô thịtheo Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210 nên tập trung sửa đổi các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với đô thị có yếu tố đặc thù và cập nhật, chỉnh sửa một số chỉ tiêu cụ thể làm cơ sở xây dựng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nghiên cứu, cụ thể hóa các tiêu chí của một số loại hình đô thị mới xuất hiện và đang có xu hướng phát triển để bảo đảm thực hiện một số nội dung chỉ đạo khác trong các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị.

Trên cơ sở đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210 như Chính phủ đã đề xuất. Theo đó, chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với đô thị có yếu tố đặc thù và chỉnh sửa một số tiêu chuẩn cụ thể theo hướng tăng chất lượng đô thị để bảo đảm kịp thời cụ thể hóa các yêu cầu tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị. Sau này, trên cơ sở tổng kết một cách cơ bản, toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị cũng như các quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, Chính phủ sẽ trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật hoặc nghị quyết có liên quan.

Đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 1211, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, lần này, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng: chỉ tập trung bổ sung một số tiêu chuẩn đối với đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù để phù hợp hơn với điều kiện thực tế, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chỉ đạo mới của Đảng, góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc sắp xếp, kiện toàn các đơn vị hành chính, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Nghị quyết số 1210.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại phiên họp

Qua tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 1211, đặc biệt là qua kết quả sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021, Thường trực Ủy ban Pháp luận nhận thấy, về cơ bản, Nghị quyết số 1211 vẫn đang phát huy giá trị tích cực, giúp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc chia tách các đơn vị hành chính, tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính để làm cơ sở phân loại đơn vị hành chính và sắp xếp đơn vị hành chính.

Trên cơ sở những kết quả đạt được thời gian qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211 như đề xuất của Chính phủ. Theo đó, tại thời điểm hiện nay chưa nên đặt vấn đề thay đổi, điều chỉnh một cách toàn diện các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, chỉ nên bổ sung vào dự thảo Nghị quyết những nội dung đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan; những vấn đề khác cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để đề xuất sửa đổi, bổ sung khi có đủ điều kiện bởi các yêu cầu, mục tiêu được nêu trong các nghị quyết của Bộ Chính trị có thời gian thực hiện còn dài (đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045); đặc biệt là bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp các ĐVHC (phục vụ giai đoạn tiếp theo 2022-2030).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung hai Nghị quyết trên; phạm vi sửa đổi bổ sung; nội dung sửa đổi, bổ sung việc áp dụng phân loại đô thị theo vùng miền, yếu tố đặc thù; thủ tục lập, thẩm định báo cáo rà soát phân loại, đánh giá khu vực dự kiến thành lập quận hoặc phường đạt tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị; trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc thực hiện phân loại đô thị; việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục các tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đô thị; tiêu chuẩn của đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù; tiêu chí xác định các yếu tố đặc thù miền núi, vùng cao của các đơn vị hành chính…

Đa số các đại biểu nhất trí, hồ sơ hai dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm đầy đủ, đúng quy định và đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại Phiên họp tháng 9. Các đại biểu cũng thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210 và Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại thời điểm này, nhằm kịp thời thể chế hóa một số chủ trương, chỉ đạo mới trong Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị liên quan đến phát triển quản lý đô thị, đơn vị hành chính, cập nhật kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc phân định các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các vùng kinh tế - xã hội hiện đang được quy định rải rác tại nhiều văn bản; do đó, đề nghị Chính phủ, trên cơ sở các quy định hiện có và thực tế quản lý nhà nước hiện nay, bổ sung 1 phụ lục kèm theo Nghị quyết này về danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo từng vùng kinh tế - xã hội tương ứng với nội dung quy định tại khoản 1 Điều 9 để tạo cơ sở cho việc thực hiện quy định của Nghị quyết một cách thuận lợi, thống nhất.

Toàn cảnh Phiên họp

Về việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục các tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đô thị, so với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210, Chính phủ đã rà soát, chỉnh sửa các tiêu chuẩn về diện tích sàn nhà ở bình quân, tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang tại đô thị, diện tích đất cây xanh toàn đô thị bảo đảm phù hợp với các chỉ tiêu cụ thể đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm thực hiện mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị, phát triển đô thị bền vững. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại các Phụ lục kèm theo dự thảo Nghị quyết.

Một số ý kiến cũng đề nghị, cần có quy định trần giới hạn về diện tích tự nhiên; quy mô, mật độ dân số đối với phân loại đô thị nhằm bảo đảm, nâng cao chất lượng đô thị. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị áp dụng đối với khu vực dự kiến thành lập quận, phường.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/uy-ban-phap-luat-hop-phien-toan-the-lan-thu-8-i300320/